Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến giá cà phê trong nước giảm là do giá thế giới giảm vì các nước Brazil, Colombia được mùa, đồng USD mạnh lên, sự hoạt động mạnh và chi phối thị trường của các quỹ đầu tư ở nước ngoài. Dự báo giá cà phê thế giới từ nay đến cuối năm khó có thể tăng do diện tích trồng cà phê thế giới tăng. Tồn kho trên thế giới cũng nhiều hơn mọi năm.
Mất cả chục ngàn đồng/kg
Theo báo cáo từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, giá cà phê năm nay biến động thất thường. Vào tháng 11 và 12-2012, giá cà phê nhân xô trong nước ở mức 38.100-38.300 đồng/kg, đến tháng 1 và 2-2013 tăng lên 43.000-44.200 đồng/kg. Tuy nhiên, đến tháng 5, giá bắt đầu giảm, đến tháng 9 còn 36.700 đồng/kg và từ tháng 10 đến nay chỉ còn 30.000-30.300 đồng/kg. Như vậy, tổng mức giảm đã lên đến 14.000 đồng/kg.
Theo đó, giá FOB tại cảng TP HCM cũng xuống còn 1.520 USD/tấn, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Giá trên sàn giao dịch thế giới kỳ hạn giao tháng 11 này giảm thêm 13 USD/tấn, còn 1.486 USD/tấn.
Với giá bán cà phê hiện nay, nông dân không có lãi. Theo tính toán từ các hộ trồng cà phê ở Tây Nguyên, 1 ha cà phê hiện nay thu hoạch chỉ khoảng 2,5 tấn với giá bán 30 triệu đồng/tấn. Điều này có nghĩa thu về khoảng 75 triệu đồng/ha, trong khi chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, tưới tiêu gần 60 triệu đồng/ha, chưa kể công chăm sóc thì họ chỉ hòa vốn.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết để giữ giá cà phê không bị giảm tiếp, hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho phép tạm trữ 200.000 tấn cà phê niên vụ 2013-2014 (trong tháng 11 này thu hoạch rộ cà phê).
Sản xuất còn manh mún
Theo báo cáo từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, thời tiết không thuận lợi đã làm 40.000 ha cà phê bị ảnh hưởng, trong đó có 5.000 ha bị mất trắng. Một số địa phương ở Tây Nguyên còn bị sâu lạ tấn công, đục thân, bung lớp vỏ làm cây yếu khiến giảm năng suất đáng kể.
Sản xuất cà phê trong nước manh mún, có đến 90% các vườn cà phê thuộc hộ cá thể, 10% còn lại được sản xuất tập trung. Các hộ nhỏ lẻ có diện tích từ 2 ha trở xuống chiếm đến 85% nên việc đưa tiến bộ khoa học vào canh tác rất khó khăn. Chưa kể, vườn cà phê già cỗi trên 20-25 năm chiếm trên 30%. Một nguyên nhân khác là các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp FDI tham gia vào việc thu mua và xuất khẩu cà phê nhưng họ không đầu tư, hỗ trợ nông dân mà chỉ dựa vào nguồn vốn, lãi suất ngoại tệ thấp để cạnh tranh thu mua, gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Xuất khẩu cà phê giảm Thông tin từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho thấy tổng lượng xuất khẩu cà phê niên vụ 2012-2013 chỉ đạt hơn 1,4 triệu tấn, kim ngạch hơn 3 tỉ USD, giảm 11,2% về khối lượng và giảm 10,3% về giá trị. Niên vụ cà phê 2013-2014 do thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh tấn công và diện tích vườn cà phê già cỗi tăng làm cho hạt cà phê nhỏ rất nhiều. Đó là chưa kể tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông khá nhiều trên thị trường, nông dân sử dụng làm cho năng suất giảm mạnh, nhiều vườn cà phê bị mất trắng. Những nguyên nhân trên sẽ kéo theo sản lượng niên vụ mới giảm khoảng 15% so với vụ trước. |
Bình luận (0)