Ngành dệt may Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2013 đạt doanh thu 23 tỉ USD, trong đó xuất khẩu 20 tỉ USD. Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Nếu được đầu tư bài bản, trong đó chú trọng đến vùng nguyên liệu sản xuất bông vải để tránh tình trạng lệ thuộc quá lớn từ nước ngoài sẽ tạo ra giá trị lớn.
Khâu nguyên liệu yếu
Với hơn 5.000 doanh nghiệp, dệt may tạo việc làm cho 2,5 triệu lao động có thu nhập bình quân 250 USD/người/tháng. Trong quý I/2014 có mức tăng trưởng xuất khẩu 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng dệt may được xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó Mỹ chiếm 49%, EU 16%, Nhật 14%, Hàn Quốc 7%.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cho biết ngành dệt may còn nhiều tồn đọng gây ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành, nổi cộm nhất là vấn đề trong khâu sản xuất vải bị ách tắc. Năm 2013 ngành may sử dụng 7,4 tỉ m2 vải nhưng phải nhập khẩu đến 6 tỉ m2 vải khiến ngành dệt may lệ thuộc sâu vào phương thức gia công chiếm đến trên 70%. Kéo theo các ngành thiết kế, thời trang cũng không có cơ hội phát triển.
Năm 2013, toàn ngành có 6,1 triệu cọc sợi, sản xuất 720.000 tấn sợi xơ ngắn, 150.000 tấn sợi xơ dài và 1,4 tỉ m2 vải. Theo kế hoạch dệt may, Việt Nam sẽ tăng gấp đôi về quy mô vào năm 2025, đạt doanh thu 46 tỉ USD, trong đó xuất khẩu 40 tỉ USD. Lúc này ngành dệt may cần 12 triệu cọc sợi, 12 tỉ m2 vải và 5 triệu lao động. Đây là bài toán không hề đơn giản trong việc quy hoạch diện tích trồng bông, phát triển ngành sợi, trong khi quỹ đất hạn hẹp kể cả giống.
Cơ hội
Nhu cầu hàng dệt may trên thế giới tăng trưởng, xu thế dịch chuyển của chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. đang có sự thay đổi. Bên cạnh đó, Trung Quốc (chiếm 40% năng lực sản xuất trên thế giới) đang gặp khó khăn, do phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, chi phí sản xuất tăng cao và thiếu hụt lao động. Bangladesh, Campuchia, Myanmar còn nhiều hạn chế chưa thể cạnh tranh được với Việt Nam.
Trong khi Việt Nam được xem là điểm đến của chuỗi dệt may thế giới trong thời gian tới với ưu thế hơn 90 triệu dân, số người trong độ tuổi lao động chiếm 60%. Đây là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển của ngành trong nhiều năm tới. Việt Nam còn có vị trí thuận tiện về giao thông, có ưu thế hình thành trung tâm sản xuất hàng dệt may trên thế giới.
Việt Nam đang tham gia đàm phán TPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc, trong đó có thuế suất hàng dệt may dự kiến sẽ cắt giảm về 0%. Đây là cơ hội cho xuất khẩu dệt may của Viêt Nam trong thời gian tới. Nhiều địa phương tại Việt Nam cũng đang xem xét việc cấp giấy phép đầu tư xây dựng các khu công nghiệp tích hợp chuỗi cung ứng dệt may với quy mô hàng ngàn ha.
Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết với vị trí địa lý thuân lợi, Việt Nam được xem là cửa ngõ để vào thị trường ASEAN. Dệt may hiện nay đã hội nhập sâu rộng, có mức tăng trưởng cao về xuất khẩu và cả nội địa. Để hội nhập sâu hơn ngành dệt may cần đầu tư các trang thiết bị hiện đại tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cao có khả năng cạnh tranh tốt trên thế giới.
Bình luận (0)