Theo báo cáo từ Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và nghề muối, mỗi năm nước ta tiêu thụ từ 180-200 triệu lít nước mắm. Chất lượng nước mắm tùy thuộc vào chất lượng cá, muối, hàm lượng đạm, bí quyết chế biến. Thông tin tại hội thảo “Chất lượng nước mắm và thách thức doanh nghiệp” được Công ty CP Truyền thông Thời gian Việt và Bộ Công Thương vừa tổ chức tại TP HCM cho biết thêm trên thị trường nước mắm “dỏm” tràn ngập, trong đó không ít doanh nghiệp làm ăn gian dối đưa ra thị trường loại nước mắm có độ đạm thấp mà theo giới chuyên môn gọi đây là nước chấm.
Bát nháo
Trên thị trường sản phẩm nước mắm bị lợi dụng trắng trợn ngay cả chính người bán ở các chợ lẻ cũng bức xúc về vấn đề này do họ sử dụng nguyên liệu, hóa chất gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Ông Đoàn Văn Bảo, tiểu thương ở chợ Rạch Ông, quận 8, TP HCM, cho biết đã kinh doanh nước mắm hàng chục năm qua, biết rất rõ chất lượng của từng nhà sản xuất. Thời gian qua có không ít doanh nghiệp làm ăn gian dối tung tiền quảng cáo rầm rộ nào là nước mắm có độ đạm cao, sản xuất từ cá này, cá nọ nhưng thực chất đó chỉ là nước chấm không có bổ béo gì.
Nước mắm bày bán trên thị trường ai cũng đua nhau quảng cáo có độ đạm trên 40 độ, thậm chí 65 độ. Nhưng thực chất đây chỉ là chiêu trò đánh lừa người tiêu dùng để bán với giá cao. Giám đốc một doanh nghiệp nước mắm cho biết thị trường nước mắm hiện nay rất bát nháo, khó kiểm soát. Nước mắm thật thì ít nhưng nước mắm kém chất lượng thì đầy rẫy. Hàng kém chất lượng chỉ chứa toàn hóa chất với công thức chung là muối + nước lã + hóa chất tạo mùi + màu + chất ổn định.
Theo giới chuyên môn, cho dù là nước mắm thật hoặc nước mắm giả nếu sử dụng một ít hóa chất phụ gia cũng sẽ gây hại khó lường cho người sử dụng. Do thói quen sử dụng nước mắm hằng ngày, nên dễ dẫn đến tích tụ hóa chất độc hại và dẫn đến nhiều chứng bệnh nguy hiểm, kể cả ung thư.
Nhiều chất độc hại
Theo kết quả kiểm nghiệm từ các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhiều mẫu nước mắm trên thị trường sau khi kiểm nghiệm có chứa vi khuẩn clostidium, tụ cầu vàng không được phép có trong thực phẩm. Đây là loại vi khuẩn gây tiêu chảy, sốt, gây hại cho đường tiêu hóa.
Không ít nhà sản xuất còn sử dụng các chất điều vị, phụ gia để tạo mùi thơm của mắm, vị ngọt của đạm hoặc sử dụng cách pha loãng nước mắm có độ đạm cao bằng nước muối để hạ giá thành. Nước mắm bị pha loãng, độ đạm thấp và nghèo chất dinh dưỡng nhưng lại được các loại phụ gia tạo mùi “đánh lừa” vị giác nên người tiêu dùng vẫn tin tưởng là nước mắm ngon.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm nước mắm không ghi rõ chỉ số độ đạm (đây là chỉ số bắt buộc), một số nhà sản xuất còn ghi các thông tin độ đạm ở nơi góc khuất, khó nhìn thấy hoặc ghi tên, ký hiệu quá nhỏ nhằm tránh sự chú ý của người tiêu dùng. Những sản phẩm này lại thu hút được người tiêu dùng do mẫu mã, giá cả hấp dẫn.
Bà Phan Triệu Nhất Tâm, Giám đốc Maketing Công ty Thực phẩm Hồng Phú, cho biết nước mắm phải từ 10 độ đạm trở lên mới gọi là nước mắm, còn dưới 10 độ thì không được gọi là nước mắm. Đơn vị đã đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất nước mắm sạch (thương hiệu Kabin và Thái Long), ứng dụng công nghệ tiệt trùng UHT của ngành chế biến sữa để tiêu diệt vi khuẩn gây hại, bảo lưu các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, sản phẩm của đơn vị cũng bị một số người làm giả bằng cách sử dụng nước mắm khác pha loãng với muối cho vào bao bì của công ty đã qua sử dụng.
Bình luận (0)