Thịt heo biến thành đặc sản
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm huyện Bình Chánh khi kiểm tra cơ sở chế biến tại số A7/13G1 đã bắt quả tang ông Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Phú đang tẩm ướp chế biến thịt bẩn. Tại hiện trường có gần 1 tấn thịt heo biến chất bốc mùi hôi thối. Số thịt này được ngâm trong thau có chứa hóa chất; phẩm màu, nguyên liệu vứt lăn lóc trên nền nhà dơ bẩn. Sau khi được tẩm ướp, thịt heo này sẽ biến thành thịt đà điểu, nai, lạc đà, nhím, cá sấu, bò để tiêu thụ trong dịp Tết. Tại cơ sở này có gần chục ký thịt thành phẩm đã được đóng gói mang nhãn hiệu thịt đà điểu, thịt nai, thịt nhím, lạc đà… và 10 kg bao bì ghi tên các loại thịt trên.
Trạm Kiểm dịch Động vật Thủ Đức phối hợp cùng Đội CSGT Rạch Chiếc (TPHCM) cũng vừa phát hiện xe khách chất lượng cao Phi Long số 75B-003.66 vận chuyển 11 thùng xốp bên trong chứa 224 con heo sữa (415 kg). Toàn bộ số heo đều biến chất, chuyển màu, rỉ nhớt, bốc mùi hôi thối. Trước đó vài ngày, tổ liên ngành này cũng đã kiểm tra xe tải 54V-1725, vận chuyển hơn 1,2 tấn phụ phẩm heo (da, mỡ, lòng) không rõ nguồn gốc, không chứng từ. Toàn bộ số phụ phẩm trên đều bốc mùi hôi, ngả màu, rỉ dịch.
Chi cục Thú y TPHCM trong tuần qua đã kiểm tra hàng chục vụ kinh doanh, chứa trữ thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc với số lượng lên đến vài ba tấn. Trong tháng 12-2012, chi cục xử lý 5.175 con gia cầm, 82 con gia súc, hơn 3,2 tấn thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Nếu tính cả năm thì chi cục xử lý 4.123 vụ, tăng 530 vụ so với năm trước. Trong đó, có 50.015 con gia cầm không rõ nguồn gốc, 1.157 con gia súc và trên 248 tấn thịt gia súc, gia cầm.
Đổ qua đổ lại
Báo cáo từ cơ quan thú y TPHCM cho thấy nguồn thịt gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch từ các tỉnh tuồn vào TPHCM rất lớn. Người ta tìm đủ mọi cách, né trạm kiểm dịch, chẻ hàng, len lỏi nhiều con đường nên một mình thú y không thể nào kiểm soát xuể. Những vụ phát hiện chỉ là bề nổi so với nguồn thịt bẩn tuồn vào TP.
Quá nhiều vi khuẩn Bác sĩ Nguyễn Hữu Trí, Phó Trạm Phòng chống dịch và Kiểm dịch động vật Chi cục Thú y TPHCM, cho biết thịt bán trên thị trường rất dễ nhiễm khuẩn salmonella. Chỉ có thịt sau khi giết mổ đúng kỹ thuật đưa vào cấp đông hoặc giữ lạnh ở nhiệt độ thích hợp để hạn chế vi khuẩn phát triển. Còn thịt không được kiểm soát mức độ nhiễm khuẩn lớn hơn rất nhiều, chưa kể nguồn thịt bị nhiễm thứ dịch bệnh khác. |
Bình luận (0)