Gần đây, nhiều người tiêu dùng khá quan tâm đến một loại thực phẩm mới nhập khẩu vào thị trường TPHCM, đó là thịt ngựa. Nhiều người tò mò muốn ăn thử xem mùi vị thế nào. Nhưng một số người khác lại bị hấp dẫn bởi những thông tin “ăn gì bổ nấy” của món thịt ngựa.
Giá tương tự thịt bò ngoại
Theo một đơn vị đã và đang kinh doanh thịt ngựa tại TPHCM, nguồn thịt ngựa đang bán trên thị trường TPHCM chủ yếu được nhập từ Mông Cổ, Trung Quốc, Lào và một số ít là nguồn hàng trong nước được đơn vị tổ chức chăn nuôi hơn một năm qua tại các làng người dân tộc ở Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc. Giá thịt ngựa nhìn chung cao hơn nhiều so với thịt heo, bò trong nước nhưng tương đương với giá thịt bò Úc. Chẳng hạn, giá thịt phi lê 195.000 đồng/kg; thịt nạc sườn 175.000 đồng/kg; gan, tim, cật 120.000 đồng/kg; bao tử, ống chân, đuôi, ruột 90.000 đồng/kg... Riêng món ngọc dương, giá bán 500.000 đồng/bộ...
Ngoài việc bán lẻ sản phẩm cho khách tự mua về chế biến, đơn vị nhập khẩu còn đưa sản phẩm thịt ngựa vào nhiều nhà hàng tại TPHCM cũng như một số địa phương khác. Chẳng hạn như nhà hàng Viễn Tây (đường Phạm Ngũ Lão, Q.1), nhà hàng Hoa Sứ (Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh) có bán các món nướng, lẩu, bít tết... từ thịt ngựa.
Chỉ nên coi là thực phẩm
Giới chuyên môn cũng như một số người đã từng “nếm” qua món này cho biết thịt ngựa mềm, ngọt và bùi hơn thịt bò. Thịt sống có màu khá giống thịt bò nhưng thớ thịt to hơn.
Xung quanh sản phẩm thịt ngựa, xưa nay người ta thường nói nhiều đến công dụng chữa bệnh kiểu “ăn gì bổ nấy”. Chẳng hạn, thịt ngựa giúp trẻ em cứng cáp, nhanh nhẹn, thanh niên vạm vỡ cường tráng, người già không bị đau nhức và sống lâu... Sỏi trong dạ dày, ruột ngựa tán nhuyễn để uống có tác dụng trấn kinh, hóa đờm, chữa được co giật, động kinh. Dương vật ngựa chữa được bệnh liệt dương. Móng chân ngựa trị trĩ... Tuy nhiên, qua tham khảo ý kiến từ các nhà chuyên môn cho thấy chỉ nên xem thịt ngựa như là một loại thực phẩm thông thường tương tự thịt trâu, bò...
Theo đông y, có một số tài liệu cho biết nhiều con vật có ưu điểm “quy kinh” bổ dưỡng cho một số cơ quan trong cơ thể người. Chẳng hạn, thịt gà đi về gan, dê về tim, bò về tì (lá lách, tì tạng), ngựa về phổi, heo về thận... Thịt ngựa có tính mát, bổ cho gân cốt. Tuy nhiên, cũng chưa có ai nghiên cứu để chứng minh. Còn theo cử nhân, lương y Đào Trọng Văn, Bệnh viện Y học Cổ truyền TPHCM, lại có tài liệu cho rằng thịt ngựa có tính độc nên những người có thể chất yếu khi ăn thịt ngựa có thể bị chóng mặt, ói mửa. Cũng theo ông Văn thì dương vật, xương, óc, móng ngựa cho đến thời điểm này cũng chưa thấy có tư liệu nào đề cập đến những tác dụng trị bệnh.
Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách Văn phòng phía Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm VN, cũng cho biết các sản phẩm từ thịt ngựa không có gì khác biệt so với các loại gia súc khác. Cho đến nay tại VN vẫn chưa có đề tài khoa học nào nghiên cứu về tác dụng của thịt ngựa đối với cơ thể con người. Do đó quan niệm “ăn gì bổ nấy” chỉ là tâm lý. Nếu ăn “cái đó” của ngựa trị được liệt dương thì thế giới khỏi cần phải sử dụng Viagra.
Bình luận (0)