Việc thương lái mua tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn với giá cao, ướp đá hoặc cấp đông và chở thẳng sang Trung Quốc tiêu thụ đã diễn ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, gần đây, tình hình trên diễn biến phức tạp hơn, thương lái tăng cường thu mua khối lượng lớn tôm tươi từ các tỉnh rồi ướp lạnh để “đẩy” sang Trung Quốc. Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày có khoảng 300 tấn tôm tươi nguyên liệu được xuất chính ngạch sang Trung Quốc qua các cửa khẩu. Trước đây, các thương lái chỉ thu mua tôm cỡ 80 con/kg trở lên, nay họ vét luôn tôm cỡ nhỏ chỉ 150 con/kg. Họ mua dễ dãi cả tôm nhiễm kháng sinh và tổ chức bơm chích tạp chất để tăng trọng lượng.
Hậu quả là doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu không cạnh tranh được với thương lái trong việc thu mua tôm nguyên liệu nên không thực hiện được hợp đồng đã ký với nhà nhập khẩu. Trước đây, doanh nghiệp có thể thu mua 100 tấn tôm nguyên liệu mỗi tháng, nay chỉ còn thu mua được khoảng 20 tấn. Nguy cơ không kiểm soát được chất lượng nguyên liệu, trong đó có dư lượng kháng sinh và tạp chất, có thể ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh con tôm Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Hiện xuất khẩu tôm đang thuận lợi về giá tăng, nguồn cung tôm từ Thái Lan giảm mạnh do ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm (EMS), tạo cơ hội cho các nước cung cấp khác, trong đó có Việt Nam. Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá tôm nhập khẩu vào Mỹ với 33 doanh nghiệp của Việt Nam đều có mức thuế 0%. Lâu nay, các doanh nghiệp đã đầu tư bài bản cho cơ sở sản xuất chế biến, ký kết nhiều hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, từng bước xây dựng hình ảnh về chất lượng tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hiện họ đang gặp tình trạng cạnh tranh thu mua tôm nguyên liệu ngay chính tại vùng nuôi tôm trong nước, gây thiệt hại lớn cho xuất khẩu.
Các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng nhanh chóng đưa ra biện pháp giải quyết tình trạng các thương lái tranh mua tôm nguyên liệu đưa sang Trung Quốc, gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm tôm Việt Nam. Làm được như thế mới giúp bình ổn nguồn tôm nguyên liệu, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết để giải quyết tình trạng trên, trước mắt cần áp thuế xuất khẩu cho các mặt hàng tôm xuất khẩu tươi (chưa qua chế biến, chưa cấp đông). Tổng cục Thủy sản cũng đã có công văn đề nghị sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tuyên truyền, phổ biến người dân, doanh nghiệp thực hiện tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng đưa tạp chất vào tôm. Khuyến cáo người nuôi tôm thận trọng với các thương lái khi mời chào với giá cao, không yêu cầu kiểm soát chất lượng và kích cỡ tôm thu hoạch. Người nuôi tôm nên tìm hiểu về tư cách pháp nhân của thương lái thu mua, nếu phát hiện khả nghi thì kịp thời báo cho cơ quan chức năng xử lý.
Bình luận (0)