Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT đã can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, hành chính hóa quan hệ dân sự và kinh tế tạo ra cơ chế “xin - cho” trong thực hiện. Trong quá trình thực hiện nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản, các DN phải thực hiện 2 thủ tục hành chính là đăng ký kiểm dịch và khai báo kiểm dịch ngay ở giai đoạn đầu tiên trước sản xuất là không cần thiết, gây tốn kém chi phí cho DN. Trong khi căn cứ vào tính chất, đặc điểm của hàng thủy sản thì có thể gộp 2 thủ tục này thành một lần trước khi hàng đến cửa khẩu. Một số quy định tại Thông tư 48/2013 của Bộ NN-PTNT về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu có hiệu lực thi hành từ ngày 26-12-2013 chưa đúng Luật An toàn thực phẩm, cao hơn so với thông lệ quốc tế, kéo dài thời gian thực hiện, tăng chi phí cho DN.
Tỉ lệ lấy mẫu để thẩm tra sản phẩm xuất khẩu từ cơ sở trong danh sách DN ưu tiên quá lớn so với nguyên tắc thẩm tra; tỉ lệ lấy mẫu lớn hơn nhiều so với quy định mà các nước tiên tiến tại EU, Mỹ, Canada, Thái Lan đang áp dụng. Tại Mỹ, người ta chỉ thẩm tra 2%-5% số lượng lô hàng nhập khẩu cập cảng nhưng cơ quan kiểm tra Việt Nam lại căn cứ trên mức xếp hạng DN: hạng đặc biệt, hạng 1, hạng 2 để lấy mẫu thẩm tra theo tỉ lệ 5%-15%-20% số lô hàng sản xuất. Điều này làm tăng chi phí, tỉ lệ lấy mẫu của DN. Thu phí và lệ phí tại Thông tư 48 cũng chưa đúng với điều 48 của Luật An toàn thực phẩm.
Trong việc cấp chứng thư cho các cơ sở, ngoài danh sách ưu tiên sau khi thực hiện đăng ký kiểm tra, thực hiện kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm để được cấp chứng thư, chủ hàng còn phải cung cấp bằng văn bản đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định về mẫu chứng thư theo yêu cầu của cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cho cơ quan kiểm tra chứng nhận để được cấp chứng thư. Quy định này không phù hợp và kéo dài thời gian thực hiện. Trên thực tế, để giải quyết yêu cầu này, DN có thể cung cấp các thông tin này ngay trong giấy đăng ký kiểm tra, căn cứ vào đó, cơ quan kiểm tra sẽ cấp theo đề nghị của chủ hàng.
Hội đồng đã đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu, sửa đổi tỉ lệ lấy mẫu thẩm tra sản phẩm từ cơ sở có trong danh sách DN ưu tiên cho phù hợp với thông lệ quốc tế, giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho DN. Sửa đổi các thủ tục hành chính theo hướng không yêu cầu các cơ sở ngoài danh sách phải thực hiện thủ tục cung cấp thông tin về mẫu chứng thư theo yêu cầu của nước nhập khẩu; đơn giản hóa các thủ tục hành chính làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu; rà soát, hệ thống hóa các văn bản hướng dẫn không phù hợp.
Bình luận (0)