Mấy năm qua, người nuôi cá tra thường xuyên bị lỗ phải “treo” ao hoặc chuyển nghề. Người nuôi nợ nần chồng chất, không có khả năng trả nợ; doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra chỉ sản xuất cầm chừng hoặc đóng cửa. Không ít tổ chức cố tình thông tin sai sự thật về cá tra Việt Nam và đưa ra nhiều rào cản như thuế chống bán phá giá…
Trọn gói
Trước bối cảnh khó khăn trên, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) kết hợp cùng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các đối tác đã tổ chức giới thiệu dự án mới “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)”.
Dự án có tổng giá trị gần 2,4 triệu euro, trong đó Liên hiệp châu Âu (EU) tài trợ 1,9 triệu euro. Bà Berenice Muraille, Tham tán về hợp tác phát triển của phái đoàn EU tại Việt Nam, cho biết dự án sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông qua dự án, EU sẽ hỗ trợ trực tiếp toàn bộ chuỗi cung ứng cá tra từ khâu ươm, sản xuất thức ăn nuôi và chế biến của Việt Nam đến các nhà xuất nhập khẩu và người tiêu dùng, trong đó có EU hiện là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu cá tra Việt Nam.
Dự án được thực hiện trong 4 năm (từ 2013-2017), tập trung nâng cao năng lực, thúc đẩy sản xuất có trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất, cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường, cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn bền vững như ASC, GlobalGap. Theo đó, sẽ có hơn 70% doanh nghiệp có quy mô trung bình đến lớn và 30% nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi cùng các trang trại nuôi quy mô nhỏ được thụ hưởng từ dự án này. Chưa hết, có khoảng 50% doanh nghiệp tham gia được cung cấp các sản phẩm bền vững phù hợp với tiêu chuẩn ASC cho thị trường châu Âu và các thị trường khác.
Nhiều thuận lợi
Cá tra Việt Nam hiện đang xuất khẩu sang 142 thị trường trên thế giới. Năm 2012 tổng sản lượng thủy sản 5,876 triệu tấn, trong đó có 1,19 triệu tấn cá tra (chiếm 20,3%). Dự kiến đến năm 2020, sản lượng cá tra đạt từ 1,5-2 triệu tấn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, cho biết Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế khi thực hiện dự án vì có kỹ thuật, số lượng lớn, chiếm hơn 90% sản lượng thế giới. Hiện Việt Nam có 567 nhà máy chế biến thủy sản (quy mô công nghiệp), đáp ứng các quy chuẩn an toàn thực phẩm, trong đó có 415 nhà máy đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU. Mặt khác, Việt Nam có mức độ tham gia và cam kết cao về chất lượng và trách nhiệm môi trường từ Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, người nuôi, khả năng hội nhập cao, đáp ứng khách hàng theo yêu cầu liên kết chuỗi của ngành hàng, tham gia rộng rãi các hợp tác, thỏa thuận song phương với nhiều quốc gia và khu vực, tạo thuận lợi cạnh tranh về chất lượng, mức thuế.
Khó khăn cần giải quyết Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Vasep Việt Nam, cho biết hiện vẫn còn một số hạn chế trong ngành cá tra như sản xuất nguyên liệu còn tự phát, thiếu quy hoạch; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là philê nên giá trị chưa cao, giá cả biến động thất thường; chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm tốt, còn bị nhiều thông tin bôi nhọ từ các thị trường lớn; liên kết giữa các khâu chưa bên vững, chưa có cơ chế tự điều tiết giữa sản xuất và tiêu thụ. |
Bình luận (0)