Mì, miến, bún, cháo, phở ăn liền... là những món ăn “chữa cháy”, tiện dụng, dành cho những người không có thời gian nấu nướng và thuộc nhóm những sản phẩm bán chạy nhất hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhóm thực phẩm này hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe.
“Cơn sốt” mì, bún, miến, phở... ăn liền
Theo các siêu thị, từ đầu năm đến nay, mãi lực nhóm mặt hàng này tăng khoảng 10% – 15%, đặc biệt trong mùa World Cup vừa rồi tăng đến 20%. Hiện có đến vài chục nhãn hiệu mì, miến, phở, cháo, bún ăn liền, chủ yếu của các công ty như: Miliket, Vina Acecook, Vifon, Asiafood, Bích Chi, Phú Cường... Nếu trước đây mì, bún ăn liền chỉ có một vài loại đơn giản như mì tôm cua, bún tôm, mì chay lá bồ đề... thì nay có rất nhiều chủng loại, mùi vị như tôm chua cay, lẩu Thái, thịt bằm, thịt bằm xốt cà chua, kim chi, bò kho; phở vị bò, gà, bún cà ri; hủ tiếu bò viên... Giá bán những mặt hàng này cũng rất phong phú: loại bình dân từ 1.000 đồng – 1.500 đồng/gói, loại cao cấp từ 4.000 đồng/gói trở lên. Cụ thể, Asiafood có mì Hảo Hạng, mì Gấu Đỏ 1.300 đồng/gói; Vina Acecook có miến Phú Hương 4.000 đồng/gói, mì Táo Quân 1.300 đồng/gói, miến Tiếng Vang có giá lên đến 10.200 đồng/gói... Các loại mì, phở ăn liền xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan... cũng có mặt ở các chợ và siêu thị với giá bán rất cao.
Không nên ăn thường xuyên
Tiến sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Minh Kiều phân tích: Thành phần chính của mì gói là mì ép thành bánh và bột nêm. Trên thế giới, mì thường được xử lý qua công nghệ sấy và chiên. Ở Việt Nam hiện nay, mì chỉ được xử lý qua công nghệ chiên. Dầu sử dụng để chiên là loại shortening không có lợi cho sức khỏe. Mì chiên có độ ôxy hóa cao (ôxy hóa là tác nhân gây ra các bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư...) Thành phần chính của gói bột nêm là muối và bột ngọt, lượng thịt, tôm (nếu có) rất hạn chế. Dầu trong gói bột nêm cũng được xử lý chiên, bị ôxy hóa.
Ngoài ra, trong các loại thực phẩm đóng gói, đóng hộp chứa rất nhiều muối. Ở mì gói, muối có trong bánh mì và trong gói bột nêm chiếm từ 800 g đến trên 1.000 g/gói (trong khi lượng muối cần thiết cho cơ thể mỗi ngày là 2.400 g). Các loại mì gói chỉ đem lại năng lượng từ tinh bột trong mì, hầu như không có giá trị dinh dưỡng. Phở, bún, miến không an toàn do lượng đường, bột ngọt trong bột nêm và chất dầu bị ôxy hóa.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, đây là loại thực phẩm thiếu dinh dưỡng, người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng. Hoặc khi sử dụng mì ăn liền, tốt nhất nên trụng nước sôi để giảm bớt độ muối (các loại bún, phở, miến... ăn liền không cần trụng nước sôi) và không nên sử dụng bột nêm.
Bình luận (0)