30% gia đình xài gas trôi nổi!
Các hãng kinh doanh gas đều than phiền về việc vỏ bình gas của họ bị nhiều điểm kinh doanh gas chiếm dụng để chiết nạp gas giả rồi tiếp tục tung ra thị trường, con số này chiếm từ 20% - 30%, tùy hãng. Hằng năm tỉ lệ này đều tăng lên, khiến các doanh nghiệp thất thu khoảng 84 tỉ đồng/năm. Thông thường những bình gas giả này đều thiếu trọng lượng từ 1- 2 kg. Một số cơ sở còn mua lại các vỏ bình trôi nổi trên thị trường, cắt quai xách, mài logo của hãng gas chính hãng và sơn lại màu mới. Việc mài vỏ bình như trên là rất nguy hiểm, khiến vỏ bình bị mỏng, làm giảm khả năng chịu áp lực, không còn thông số để kiểm định. Đại diện Saigon Petro cho biết thêm, việc chiếm dụng bình gas hiện nay được thực hiện một cách rất đơn giản, chỉ cần phủ thêm lớp sơn mới trùm lên rồi đề tên nhãn hiệu mới là xong.
Nhiều đơn vị kinh doanh gas còn bức xúc trước việc gần đây có nhiều trạm chiết nạp gas ở ngoại thành TPHCM cũng như các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương không có thương hiệu gas trên thị trường, mà chủ yếu làm hàng gia công chiết nạp gas với giá từ 10 USD- 20 USD/tấn. Mỗi tháng có gần chục tấn gas được gia công theo kiểu này để tung ra thị trường không qua kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Đủ kiểu gian lận
Qua thực tế kiểm tra, các cơ quan chức năng tại TPHCM đã phát hiện trên địa bàn đang có tới gần 1.000 cửa hàng kinh doanh gas trái phép như không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Trong đó có nhiều cửa hàng sang chiết gas trái phép, kinh doanh gas không có hóa đơn chứng từ, sử dụng niêm, tem giả. Nhiều đại lý gas còn sắm cả xe bồn thu mua gas rồi thuê các trạm sang chiết gas nạp vào bình trôi nổi để tung ra thị trường thông qua các mối quen biết với giá rẻ hơn hàng chính hãng. Một số cửa hàng còn in giả cả sổ bảo hiểm, mạo danh là đại lý của các công ty lớn. Những cửa hàng này cho người giả danh nhân viên các công ty lớn đến từng hộ dân để bảo dưỡng bếp gas miễn phí nhằm xóa số điện thoại của người khác thay số của cửa hàng mình. Cố tình gây hỏng linh kiện bếp để gạ bán linh kiện không bảo đảm chất lượng, kể cả đánh tráo vỏ bình.
Lập tổ đặc nhiệm để đối phó
Các đơn vị kinh doanh gas cũng đã thống nhất thành lập tổ “đặc nhiệm”. Tổ này có trách nhiệm theo dõi thị trường, giám sát, kiểm tra các điểm kinh doanh gas; yêu cầu các cửa hàng bán lẻ phải làm cam kết không được mua bán bình gas sang chiết lậu; lập danh sách những cửa hàng không có hợp đồng, những cửa hàng vi phạm thông báo đến các hãng gas để chấm dứt cung cấp gas đối với họ. Các cửa hàng kinh doanh trái phép, gian lận thương mại sẽ được tổ đặc nhiệm báo cáo đến cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý...
Kiến nghị kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh gas Ban Chỉ đạo 127/TW cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất các biện pháp chấn chỉnh tình trạng kinh doanh gas. Đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành các quy định điều kiện sản xuất, nhập khẩu, phân phối gas; các điều kiện sang chiết gas; quy định số lượng vỏ bình tối thiểu, cơ sở vật chất, kiểm định, bảo dưỡng... Cơ sở phải đăng ký kiểu dáng, màu sắc và thương hiệu. Mỗi đơn vị chỉ được chọn một màu cho vỏ bình để dễ kiểm soát. Từ nay đến cuối năm tập trung giải quyết một số vấn đề như tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh gas, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm. L.Giang |
Bình luận (0)