Gần đây, một số người sử dụng xe gắn máy tại TPHCM thường gặp sự cố xe bị tắt máy do pông-tu (phao nổi trong bình xăng con) trương nở núm cao su làm nghẹt xăng. Các sự cố này có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng theo các nhà chuyên môn nhiều khả năng là do xăng kém chất lượng (xăng pha).
Phức tạp
Các đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết xăng dầu được nhập khẩu vào nước ta hiện nay từ rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó nhiều nhất là nhập từ Trung Quốc, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan... Các nhà máy lọc dầu ít khi bán hàng trực tiếp cho khách hàng mà đa số đều thông qua nhiều đơn vị trung gian. Ông Đinh Tấn Lợi, Phó Phòng Kỹ thuật hàng hóa Công ty Xăng dầu Khu vực II, cho biết thành phần chính của xăng là hydrocarbon, nhưng phụ gia thì có rất nhiều thứ, mỗi nhà máy sản xuất có thành phần phụ gia khác nhau.
Khâu vận chuyển từ kho của các đầu mối đến các đại lý, cửa hàng bán lẻ gần như bị thả nổi. Đa số các đầu mối nhập khẩu đều không có đủ xe bồn để cung cấp hàng đến các đại lý hoặc điểm bán lẻ, nên các đại lý, cửa hàng bán lẻ đều phải trực tiếp lấy hàng tại kho. Phần lớn đại lý, chủ các cây xăng không có xe bồn nên phải thuê xe bên ngoài bằng cách giao phiếu nhận hàng cho nhà xe để họ đi lấy hàng giúp mà không có người giám sát. Từ đó, chuyện nhà xe rút “ruột” lấy xăng ra bán bên ngoài và bơm dầu lửa vào để hưởng phần chênh lệch là chuyện không xa lạ. Để không bị phát hiện, nhà xe hoặc các cây xăng thường chỉ pha dầu vào xăng với tỉ lệ từ 5%- 10%, tỉ lệ này, xăng không đổi màu, mùi nhiều và xe sử dụng vẫn dễ khởi động. Ông K., chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cho biết phần lớn là pha dầu lửa. Một xe bồn chở xăng có dung tích 10.000 lít, nếu pha 10% dầu (1.000 lít), với mức giá chênh lệch giữa xăng và dầu hiện nay là 3.400 đồng/lít, thì nhà xe đã có thể bỏ túi gần 3,4 triệu đồng.
Không ít chủ các cây xăng cũng tìm cách trộn hàng để hưởng chênh lệch cao bằng nhiều thủ đoạn như trộn xăng với dầu lửa; trộn xăng A83, A90 vào xăng A92... Để không bị phát hiện xăng pha, họ thường pha thêm màu cho giống với màu xăng chuẩn (xăng A90 màu đỏ, A 92 màu xanh, A 95 vàng nhạt...).
Hiện nay, khi hàng được nhập về cảng sẽ được Trung tâm 3 đến lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định, sẽ được làm thủ tục thông quan.
Đối với việc kinh doanh, hằng năm các cơ quan chức năng cũng chỉ mở một- hai đợt kiểm tra các cây xăng trên địa bàn. Những đợt kiểm tra này phần lớn đều được báo trước nên mức độ phát hiện vi phạm thường không cao. Việc kiểm tra chất lượng bằng cách lấy mẫu kiểm nghiệm có khi hai-ba năm mới thực hiện một lần, nhưng cũng chỉ kiểm tra xác suất vài chục phần trăm, chứ không thực hiện được toàn bộ các cây xăng. Việc lấy mẫu xét nghiệm cũng gặp trở ngại vì không có kinh phí kiểm nghiệm, thành phần kiểm nghiệm cũng chỉ vài chỉ tiêu cơ bản chứ không thể kiểm hết vì chi phí rất cao.
Mới đây, Chi cục QLTT TPHCM đã lấy mẫu xăng A92 tại 7 cây xăng ở Nhà Bè, 1 cây xăng ở quận 8 để kiểm nghiệm. Kết quả có 2 mẫu ở Nhà Bè và 1 mẫu ở quận 8 có chỉ số octan thấp, không đạt tiêu chuẩn, chất lượng chỉ tương đương với xăng A90 vì xăng đã bị pha.
Bình luận (0)