Phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) là một nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới. Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển để có thể phát triển CNVH một cách hiệu quả và bền vững.
Cần lộ trình cụ thể
Để phát triển CNVH cần có sự đầu tư bài bản vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghệ. Nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa để có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và quảng bá sản phẩm văn hóa Việt Nam ra thế giới; tạo đà phát triển trung tâm biểu diễn sân khấu quốc tế tại TP HCM - nơi có thị phần biểu diễn lớn, lượng khán giả nội địa cao, du khách các nước đến đông, lực lượng nghệ sĩ giỏi nghề và làm xã hội hóa tốt.
Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, Hội Sân khấu TP HCM, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM có thể liên kết tổ chức liên hoan sân khấu nhạc kịch Đông Nam Á hoặc châu Á. Để liên hoan này thành công cần thành lập các tiểu ban về tổ chức, TP HCM có thể đặt hàng các sân khấu để xây dựng tác phẩm hướng đến văn hóa du lịch.
Thành lập hội đồng tư vấn nghệ thuật với các chuyên gia giỏi nghề, sau đó tổ chức liên hoan sân khấu nhạc kịch quốc tế, mời các sân khấu nhạc kịch của Thái Lan, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản… tham gia. Tạo điểm hẹn nhạc kịch châu Á tại TP HCM như Lễ hội Hò Dô đã từng tổ chức thành công.
Đầu tư cho nhạc kịch
Vì sao tôi đề xuất liên hoan sân khấu nhạc kịch Đông Nam Á hoặc châu Á? Bởi hiện nay các sản phẩm văn hóa tại TP HCM khá đa dạng, trong số đó có nhạc kịch đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, nhất là giới trẻ. Nhiều sân khấu theo hướng xã hội hóa trong thời gian qua tiên phong thực hiện loại hình nhạc kịch đã ghi nhận những thành quả tích cực bước đầu.
Riêng Sân khấu Kịch Quốc Thảo (70-72 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, TP HCM) ngày 1-6 sẽ công diễn vở nhạc kịch "Đảo muôn màu - Cuộc thử thách sinh tồn" nhằm đón đầu các xu hướng mới, đưa nhạc kịch đến với công chúng trẻ.
Hiện nay, du khách từ các nước cũng đã tìm về với sân khấu TP HCM để xem, để tìm kiếm cái mới về giải trí, đó là một cơ hội cần nắm bắt để đầu tư, phát triển thể loại nhạc kịch (cần tận dụng những nền tảng xã hội như YouTube, TikTok để quảng bá nhạc kịch của TP HCM đến với công chúng trẻ, du khách nước ngoài). Qua đó góp phần phát triển nền CNVH của cả nước nói chung, TP HCM nói riêng và TP HCM phải là nơi khởi động trước.
Những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Hoạt động sản xuất, kinh doanh văn hóa trong đó có vở diễn sân khấu hiện nay ở cả nước và riêng tại TP HCM vẫn còn nhiều hạn chế. Thiếu vắng các doanh nghiệp văn hóa lớn, mạnh, có nguồn lực tài chính và nhân lực dồi dào. Chưa nói đến việc cần phải phổ cập Anh ngữ cho thế hệ diễn viên, chuyên viên sân khấu, đạo diễn, tác giả để họ có thể hội nhập với thế giới.
Ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất vở diễn cho sân khấu, phân phối và tiêu thụ sản phẩm văn hóa - nghệ thuật, trong đó có vở diễn sân khấu, nhất là thể loại nhạc kịch còn ít ỏi.
Chúng ta cần học hỏi một số điển hình phát triển CNVH ở nước ngoài, như Hàn Quốc có Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) lan tỏa mạnh mẽ ra toàn thế giới, thu hút lượng lớn du khách và mang lại nguồn thu khổng lồ cho nền kinh tế Hàn Quốc. Sân khấu nhạc kịch Hàn Quốc phát triển rất mạnh, các chương trình âm nhạc, nghệ thuật kết hợp giữa thời trang và ca múa nhạc đã đạt đến tầm cao về giải trí. Năm 2000, chính phủ Hàn Quốc đã gửi 1.000 nhân lực trẻ sang Mỹ học về thời trang, điện ảnh, âm nhạc, nhạc kịch… Với sự đầu tư bài bản cho các doanh nghiệp CNVH và sự sáng tạo, chuyên nghiệp của đội ngũ nghệ sĩ, CNVH Hàn Quốc đã làm nên kỳ tích.
Ở Mỹ, ngành CNVH phát triển vào loại bậc nhất thế giới. Các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc, thời trang... tại Hollywood có sức ảnh hưởng toàn cầu. Ở Hollywood, nguồn nhân lực diễn viên, đạo diễn, nhà biên kịch, hóa trang, âm nhạc được đào tạo và tạo cơ hội cống hiến tài nghệ. Hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến ở mức rất cao. Họ sẵn sàng đầu tư tới nơi tới chốn cho một sinh viên trẻ nếu có đề án thuyết phục nhà đầu tư. Hằng năm, những vở kịch ngắn, phim ngắn từ các trường thi đấu với nhau, đêm chung kết là đêm "mời chào" các nhà sản xuất đến xem, từ đó họ chọn những nhân tố mới cho công ty của họ.
Tại Trung Quốc, ngành CNVH phát triển nhanh trong những năm gần đây. Phim Trung Quốc ngày càng được ưa chuộng trên thị trường quốc tế. Trung Quốc có nhiều trường nghệ thuật và sân khấu của họ lúc nào cũng mang màu sắc đặc trưng văn hóa châu Á, trong đó nghệ thuật biểu diễn đậm nét sáng tạo và hiệu ứng phối hợp công nghệ tiên tiến.
Vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình phát triển CNVH như thiếu sự liên kết giữa các ngành có liên quan: văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao... để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Xoay quanh vấn đề này, TP HCM đã tổ chức nhiều chuyên đề, hội thảo… nhưng sự chuyển biến vẫn còn chậm, vẫn chưa có chiến lược phát triển đồng bộ, khả thi.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 27-5
Bình luận (0)