xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm giải pháp ứng phó hạn, mặn

CA LINH - VÂN DU - VĨNH KỲ

Do hạn, mặn năm nay đến sớm nên người dân và các ngành chức năng ở ĐBSCL đã và đang chủ động áp dụng nhiều giải pháp ứng phó để giảm thiệt hại

Những ngày này, dọc theo các tuyến giao thông tại vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nhiều kênh, rạch đã cạn trơ đáy hoặc còn nước nhưng rất ít.

Hạn, mặn có thể kéo dài

Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Trần Văn Thời, cho hay địa phương đang bị ảnh hưởng nặng do khô hạn đến sớm. Nước tại các con sông khô cạn dẫn đến nhiều vụ sụt lún, sạt lở đất xảy ra làm hư hỏng nhiều tuyến giao thông và tài sản của người dân; khoảng 2.000 ha lúa và 80 ha rau màu có nguy cơ bị ảnh hưởng năng suất.

Tại An Giang, mùa khô vừa bắt đầu nhưng nhiều kênh, mương nội đồng đã cạn nước. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang dự báo khoảng đầu tháng 3-2024, một số huyện, thị trong tỉnh như: An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Tân Châu và TP Châu Đốc có khả năng xuất hiện nắng nóng cục bộ. Từ tháng 4, nhiệt độ cao nhất trong mùa nắng nóng có khả năng xảy ra ở mức 36-38°C. Đáng chú ý, trong những tháng mùa khô năm nay, khả năng mưa trái mùa rất ít. Do đó, tình trạng khô hạn có thể kéo dài, mưa chuyển mùa sẽ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm.

Tìm giải pháp ứng phó hạn, mặn- Ảnh 1.

Bí rợ của người dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho năng suất cao nhờ chủ động xây dựng phương án ứng phó khô hạn đến sớm. Ảnh: VÂN DU

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Trong tháng 2-2024, tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 10%-20%. Các hồ chứa trên sông Mê Kông chảy qua Trung Quốc đang tích nước khoảng 56% tổng dung tích hữu ích. Trong đó, hồ Nọa Trắc Độ chứa khoảng 40% dung tích (khoảng 4,5 tỉ m3); các hồ chứa ở hạ lưu sông Mê Kông khoảng 61%.

Hai yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới diễn biến nguồn nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng nước trữ tại Biển Hồ và dòng chảy đến Kratie - Campuchia. Ủy ban Sông Mê Kông Việt Nam (VNMC) nhận định dòng chảy qua trạm Kratie trong tháng 2 có xu thế giảm, biến động trong khoảng 6,3-7,2 tỉ m3, trong khi lượng nước trữ ở Biển Hồ hiện là 6,3 tỉ m3.

Với các thông tin nêu trên, VNMC dự báo lưu lượng nước trung bình ngày tới ĐBSCL qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 2 sẽ tiếp tục giảm từ 6.000 m3/giây còn 3.800 m3/giây - thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023. Tổng lượng dòng chảy qua 2 trạm này có thể sẽ ở mức 11,3-12 tỉ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 5% và cùng kỳ năm 2023 từ 26%-31%.

VNMC cũng nhận định đường ranh mặn (4 g/lít) trên 3 nhánh sông lớn - sông Hậu, sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây - sẽ vào sâu hơn so với trung bình nhiều năm 8-11 km, sâu hơn cùng kỳ năm 2023 từ 4-7 km. Những khu vực thường xuyên bị nhiễm mặn gồm các huyện, thị Gò Công Đông, Gò Công Tây, Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (tỉnh Bến Tre); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (tỉnh Trà Vinh)…

Dự trữ nước ngọt, nạo vét kênh rạch

Từ trước Tết đến nay, ngày nào ông Nguyễn Ngọc Nhân, Giám đốc HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), cũng ra sông đo độ mặn 2 lần. Trước Tết, độ mặn ông đo được trên sông là 0,01‰, vài ngày gần đây đã lên 0,06‰.

"Dù nước có độ mặn như vậy chưa ảnh hưởng đến cây chôm chôm nhưng tôi vẫn dự trữ nước ngọt. Dự báo năm nay mặn lên nhanh nên ở đây ai cũng phải dự trữ nước tưới cho vườn cây ăn trái" - ông Nhân giải thích.

Tìm giải pháp ứng phó hạn, mặn- Ảnh 2.

Nông dân ĐBSCL trữ nước ngọt trong mùa hạn, mặn. Ảnh: NGỌC TRINH

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Vĩnh Long, độ mặn trên các sông chính trong tỉnh tăng dần từ ngày 20 đến 24-2, nhất là sông Cổ Chiên qua huyện Vũng Liêm. Trước tình hình này, ông Bùi Văn Bé Bảy (ngụ xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) đã xây bể chứa để dự trữ nước ngọt.

"Tôi có 90 gốc sầu riêng đang phát triển tốt, dự kiến cuối tháng 4 thu hoạch. Sầu riêng là loại cây mẫn cảm với nước mặn. Chỉ cần tưới nước có độ mặn từ 0,5‰ trở lên là sầu riêng cháy lá, rụng lá, rụng hoa, năng suất kém. Vì vậy, hằng ngày tôi phải ra sông đo độ mặn 2 lần, khi nào cống đóng thì sử dụng nước ngọt chứa trong bể để tưới" - ông Bảy cho hay.

Chỉ tay về phía ruộng bí rợ đang thu hoạch, anh Trần Văn Bắc (ngụ xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời) kể sau khi thu hoạch xong vụ lúa thứ 2 trong năm, gia đình anh khẩn trương trồng 4 ha bí rợ. Trong quá trình trồng, anh đã tận dụng rơm, rạ còn sót lại đậy lên gốc, dây bí nên giữ được độ ẩm và hạn chế nước bốc hơi.

"Nghe dự báo năm nay hạn đến sớm nên tôi đã chủ động thuê phương tiện cơ giới đào ao trữ nước ngọt để tưới tiêu và trồng bí rợ sớm hơn dự kiến nên không ảnh hưởng đến năng suất. Vụ bí rợ này, gia đình tôi lãi trên 300 triệu đồng" - anh Bắc tự tin.

Để hạn chế thiệt hại do tình hình hạn, mặn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng huyện Trần Văn Thời đã phối hợp Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc cây trồng… trong điều kiện thiếu nước cho người dân. Huyện còn lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…

Theo ông Huỳnh Văn Thảo - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh - huyện đã và đang triển khai các công trình trọng điểm để phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: dự án 5/15 trạm bơm điện - kênh bê-tông, dự án 34 cống điều tiết nội đồng… Ngoài ra, công trình trạm bơm kênh 3 Tháng 2 nằm giáp ranh trên địa bàn xã Phước Hưng, huyện Trà Cú và xã Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần đã hoàn thành, sẽ đưa vào vận hành trong mùa khô năm 2024. Công trình này sẽ góp phần chủ động cung cấp nguồn nước ngọt cho khoảng 25.936 ha đất sản xuất nông nghiệp và cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho khoảng 285.430 người dân.

Trong khi đó, là địa phương thường chịu nhiều ảnh hưởng vào mùa khô nên huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đang thúc đẩy nạo vét các kênh, mương nội đồng nhằm tạo nguồn nước tưới cho cây trồng. Ông Nguyễn Văn Văn, Trưởng Phòng NN-PTNN huyện Tri Tôn, cho biết trên địa bàn có 7 hồ chứa nước ngọt, một số hồ đã được đưa vào vận hành nên hoạt động sản xuất của nông dân thuận lợi hơn.

"Tuy nhiên, việc cung cấp nước trong mùa khô hạn phải được phân kỳ, có kế hoạch rõ ràng để tiết kiệm và đạt hiệu quả cao. Đến nay, các tuyến kênh của xã Vĩnh Phước và Vĩnh Gia đã cạn nước. Khu vực này tiếp giáp tỉnh Kiên Giang nên chúng tôi đang khẩn trương nạo vét để thông luồng, đồng thời gia cố để chống xâm nhập mặn" - ông Văn thông tin. 

Kiểm kê, tiết kiệm, phân phối nước hợp lý

Ông Lương Huy Khanh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, cho biết trước tình hình khô hạn có thể kéo dài, UBND tỉnh vừa chỉ đạo các cơ quan, sở, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024. Theo đó, các đơn vị liên quan phải thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước thiếu hụt; bảo đảm cung cấp nước đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm nay.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Tìm giải pháp ứng phó hạn, mặn- Ảnh 3.

Tìm giải pháp ứng phó hạn, mặn- Ảnh 4.

Tìm giải pháp ứng phó hạn, mặn- Ảnh 5.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo