Trước thông tin hàng loạt cây xanh trên đường phố TP HCM chết bất thường, dư luận đặt câu hỏi về năng lực cũng như trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong việc chăm sóc, quản lý cây xanh đường phố.
Chăm sóc "theo quy trình"
Theo thẩm quyền, Sở Xây dựng TP HCM quản lý nhà nước đối với lĩnh vực cây xanh. Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (thuộc Sở Xây dựng); UBND TP Thủ Đức, UBND các quận, huyện và một số cơ quan, đơn vị khác được phân cấp quản lý.
Phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với Sở Xây dựng để làm rõ trách nhiệm quản lý, năng lực chăm sóc cây xanh của các đơn vị được giao nhiệm vụ trên địa bàn TP HCM.
Ông Lý Thanh Long, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng, thông tin công tác chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh đường phố do những đơn vị chuyên ngành có năng lực, kinh nghiệm thực hiện, điển hình như Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP HCM. Việc chăm sóc, bảo dưỡng theo quy trình kỹ thuật và quy định hiện hành.
Đối với một số loài, khu vực cây xanh có tỉ lệ chết khô cao vào mùa nắng nóng, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp, trong đó, bổ sung công tác tưới nước. Ngoài ra, còn kiểm tra, xử lý những trường hợp cây xanh kém phát triển và thay thế loài cây khác phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Tiếp cận đa chiều
Liên quan thông tin cây chết có phần nguyên nhân nắng nóng kéo dài, "bức xạ nhiệt" hay "sốc nhiệt", một chuyên gia làm việc tại Viện Kiến trúc cảnh quan và cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp) quả quyết khó chấp nhận lý do đó. Bởi trong mùa nắng nóng, những nơi như Hà Nội, Sơn La nhiệt độ cao hơn TP HCM nhưng cây xanh không bị ảnh hưởng. Nhiệt độ ở TP HCM vẫn là mức mà cây xanh phát triển bình thường.
Để xác định đúng nguyên nhân cây xanh đột nhiên chết cần quá trình khảo sát trực tiếp từ những người có chuyên môn. Cũng nên tham khảo ý kiến cộng đồng dân cư tại nơi trồng cây, nơi cây xanh chết bất thường. Ngoài ra, xem xét thêm yếu tố tác động như triều cường, ngập nước hoặc sâu bệnh.
"Trồng cây xanh đô thị khác nhiều với trồng cây lâm nghiệp. Không riêng ở TP HCM, hiện nay, một số người chỉ có chút kinh nghiệm và chưa được đào tạo, bồi dưỡng thêm về cây xanh nhưng vẫn tham gia quản lý cây xanh đô thị. Vì thế, khi tìm nguyên nhân cây chết thì họ loay hoay ngay từ đầu và rất khó để xác định đúng hoàn toàn" - vị chuyên gia nêu thực tế.
Nâng niu, phát triển mảng xanh
Kiến trúc sư (KTS) Đỗ Minh Huyền (Khoa Quy hoạch đô thị - nông thôn, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) nhận xét số lượng, chỉ tiêu cây xanh của TP HCM chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Các chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim xẹt, phượng vĩ, sọ khỉ, bò cạp nước… thường bị lệch tán, nghiêng ra đường hoặc nơi có không gian rộng. Điều này khiến cây có nguy cơ gãy đổ vào mùa mưa bão. Tại những khu vực có nhiều nhà cao tầng còn tạo hiệu ứng gió đường hầm khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi giông, lốc cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cây xanh dễ ngã đổ.
Môi trường sống cho cây xanh ở TP HCM còn nhiều bất cập khác. Cụ thể, việc trồng cây đô thị thường chỉ tiến hành sau khi hoàn tất các hạng mục như lát vỉa hè, thi công công trình ngầm... khiến diện tích trồng cây bị thu hẹp, vỉa hè rộng 6 - 7 m nhưng đất trồng cây chỉ khoảng 1 - 1,2 m. Ngoài ra, hiện tượng bê-tông hóa cùng hệ thống cáp ngầm nằm quá sát gốc cây làm quá trình trao đổi nước với tầng đất bên dưới bị hạn chế, rễ cây không thể phát triển để bám giữ đất khiến rất dễ bị bật gốc khi gặp gió mạnh.
Theo KTS Đỗ Minh Huyền, TP HCM cần khắc phục ngay bất cập trong công tác quản lý nhà nước. Phải có đơn vị chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra việc công viên bị sử dụng sai mục đích, lấn chiếm; mảng xanh không được phủ đúng như quy hoạch, kế hoạch.
TP HCM cũng cần cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy nhanh việc huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển công viên, mảng xanh. Biến những nơi này không chỉ để vui chơi, nghỉ ngơi mà còn là địa điểm tham quan, du lịch lý tưởng cho người dân và du khách.
Truyền thông để người dân tích cực tham gia phong trào trồng cây phân tán tại khu vực mình sinh sống, đồng thời chú trọng việc bảo vệ hệ thống cây xanh ở từng con đường, tuyến phố cũng là giải pháp quan trọng nữa.
KTS Đỗ Minh Huyền nhấn mạnh TP HCM muốn hướng đến một đô thị bền vững thì phải bảo vệ, duy trì và phát triển cây xanh.
Xử nghiêm vi phạm
Liên quan hiện tượng cây xanh bị xâm hại, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng cho biết công tác kiểm tra, tuần tra được thực hiện bởi nhà thầu chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng với Công văn số 5487/SXD-HTKT ngày 24-6-2024 mang nội dung đôn đốc các đơn vị quản lý, đơn vị duy tu thực hiện đúng và đủ công tác tuần tra phát hiện cây xanh, bồn cỏ bị hư hại. Từ đây, kịp thời phát hiện tình trạng cây xanh bị xâm hại như trám bít gốc cây, tập kết vật dụng xung quanh gốc, đóng đinh, tự ý chặt hạ, cắt tỉa... và các dấu hiệu cây suy giảm sức sống đến từ sâu bệnh hại, thiếu nước, hình thức chống giữ thiếu khoa học... nhằm có biện pháp xử lý kịp thời, phù hợp.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 9-8
Bình luận (0)