Tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc TP HCM ở huyện Củ Chi, nhà máy xử lý chất thải rắn của Công ty CP Vietstar và nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Củ Chi của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đang đối mặt nhiều vấn đề, trong đó có bài toán môi trường, công tác vận hành, công suất thiết kế.
Quá tải
Theo tìm hiểu, trước đó, qua nhiều lần thanh tra, kiểm tra, Tổng cục Môi trường kết luận những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của 2 công ty kéo dài từ năm 2018 chưa được khắc phục triệt để.
Lượng chất thải rắn sinh hoạt 2 công ty tiếp nhận, xử lý hằng ngày vẫn vượt công suất xử lý dẫn đến tồn đọng khối lượng lớn sau thời gian dài. Năm 2018, Công ty CP Vietstar tiếp nhận xử lý chất thải 1.800 tấn/ngày (theo giấy phép là 1.200 tấn/ngày); Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa có công suất thiết kế là 1.000 tấn/ngày nhưng thực tế công ty tiếp nhận là 1.200 tấn/ngày.
Tháng 12-2020, Tổng cục Môi trường tiến hành kiểm tra hiện trường khu vực xử lý chất thải của 2 công ty theo nội dung đơn phản ánh. Theo đó, Công ty CP Vietstar tiếp nhận, xử lý chất thải đến 2.000 tấn/ngày. Trong khi đó, nhà máy của Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa cũng vượt công suất thiết kế, lên khoảng 1.300 tấn/ngày.
Riêng trong ứng xử với rác, tại khu vực ngoài trời, cả 2 công ty đang lưu giữ lượng chất thải trơ với khối lượng hàng trăm ngàn tấn được che phủ bằng bạt HDPE, nhiều khu vực không được che phủ kín để lộ chất thải ra ngoài trời, làm rỉ nước thấm trực tiếp vào môi trường đất, chảy ra hồ trong khuôn viên công ty.
Đầu năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản gửi UBND TP HCM về việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc.
Bộ này đề nghị thành phố khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tổ chức đánh giá lại hiệu quả việc chuyển giao xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố cho 2 công ty và những tác động đến môi trường theo phản ánh của người dân để có biện pháp kiểm soát, quản lý phù hợp, đúng quy định. Ngoài ra, yêu cầu 2 công ty nghiêm túc thực hiện biện pháp về bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt của thành phố đúng với công suất thiết kế và năng lực xử lý hiện tại. Cùng với đó, có biện pháp để xử lý và chuyển giao hết khối lượng lớn chất thải tồn đọng cho đơn vị chức năng xử lý theo quy định.
Đổi mới để được tin tưởng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nhắc lại tình trạng ô nhiễm môi trường tại 2 nhà máy hiện hữu. Ông đặt vấn đề nghiệm thu xử lý rác thải, công tác giám sát môi trường, cách khắc phục và nhấn mạnh việc tồn tại 2 "núi" rác ngoài trời là khó chấp nhận.
Chuyên gia này cho rằng bản chất dự án là sản xuất phân compost, nhưng quy trình công nghệ đó ngày càng lạc hậu và rác để lộ thiên gây ô nhiễm rất lớn cho môi trường và hệ sinh thái.
"Trong thời gian qua không có cơ quan chức năng nào xử lý được hết, vậy tiền ngân sách chi cho việc xử lý rác thải tại đây là chi như thế nào? Tôi khẳng định có sự lỗi ở quy trình, tiền ngân sách chi cho việc đó chưa đúng. Việc này phải chấn chỉnh ngay, làm được hay không nhưng bỏ rác hàng đống trong kho, trên bãi là khó chấp nhận" - TS Phạm Viết Thuận nói.
Để giải quyết vấn đề tồn đọng rác, TS Phạm Viết Thuận cho rằng cần phát huy vai trò của bãi chôn lấp số 3 trong Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc. Theo đó, nếu 2 nhà máy không giải quyết được 2 "núi" rác tồn đọng có thể lên đến hàng triệu tấn thì ngưng cho tiếp nhận, đưa rác về bãi chôn lấp số 3. Khi nào doanh nghiệp đổi mới công nghệ xử lý thì tiếp tục giao rác cho thực hiện.
Nói về 2 nhà máy đốt rác phát điện tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc khởi công năm 2019 nhưng rồi phải dừng, TS Thuận nhận xét có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về mặt quản lý, quá trình triển khai đầu tư 2 dự án chuyển đổi công nghệ đó chưa dứt khoát.
Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM lưu ý rằng muốn bảo đảm thực hiện chỉ tiêu theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP về xử lý chất thải thì giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các đơn vị phải thực chất, nghiêm túc hơn, vướng tới đâu, gỡ tới đó. Trước mắt cần áp dụng công nghệ đốt rác đơn thuần, chưa cần đốt rác phát điện. Đốt rác phát điện do vướng vào Quy hoạch điện VIII nên cần một thời gian nữa.
Tham khảo nhiều mô hình tiến bộ
TS Phạm Văn Định, Khoa Kỹ thuật môi trường - Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, cho rằng việc xử lý rác thải chưa bao giờ là dễ dàng, ngay cả đối với các nước phát triển.
Ông dẫn chứng người Đức mất 30 năm đề hoàn thiện chuỗi công nghệ xử lý tích hợp tái chế, biogas, compost và đốt rác phát điện. Người Nhật xây những lò đốt rác đầu tiên vào những năm 1950 nhưng phải đến những năm 2000 công nghệ đốt rác của họ mới thực sự hoàn thiện khi hàm lượng dioxin trong khí thải lò đốt được kiểm soát xuống ngưỡng rất thấp.
Hay như Hàn Quốc không ngừng cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn từ những năm 1980 mà đến nay mới có thể đạt tỉ lệ chôn lấp khoảng 10%. "Các mô hình quản lý này đều dựa trên nguyên tắc ưu tiên giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế sau đó mới đến bước là xử lý và thải bỏ" - TS Phạm Văn Định nhận xét.
Đi cụ thể vào vấn đề xử lý lượng chất thải rắn sinh hoạt lớn của TP HCM, từ những mô hình xử lý chất thải rắn đã thành công trên thế giới kết hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên gia môi trường cho rằng nên tạo một mô hình xử lý tích hợp với thành phố.
Ông đề xuất mô hình có hệ thống phân loại rác thải (MRF) để phục vụ cho sự chuyển giao giữa việc chưa phân loại sang rác được phân loại tại nguồn theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Khi quá trình phân loại tại nguồn được thực hiện hoàn toàn thì nhà máy phân loại có thể chuyển sang phân loại rác thải đã chôn lấp để khôi phục các bãi chôn lấp hiện đang làm ô nhiễm môi trường (công tác hoàn nguyên bãi rác).
Đối với rác thải hữu cơ, nên tích hợp công nghệ biogas và compost. Theo đó chất thải được đưa qua quá trình phân hủy kỵ khí để thu hồi năng lượng dưới dạng biogas, thành phần không phân hủy sẽ được xử lý bằng phương pháp composting (phân hủy hiếu khí). Năng lượng thu được ngoài việc phục vụ hoạt động của nhà máy thì có thể tạo ra dòng năng lượng dương cỡ 200 KWh/tấn chất thải.
Điều này sẽ khắc phục được nhược điểm tiêu tốn lượng lớn năng lượng trong các nhà máy compost. Đồng thời, việc tách dòng hữu cơ sẽ tăng nhiệt trị cho dòng rác thải vào lò đốt, hiệu suất sinh điện sẽ cao hơn rất nhiều so với rác thải hỗn hợp. Như vậy, theo TS Phạm Văn Định, lượng chất thải rắn đem đốt (<10%) và chôn lấp (<5%) chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ.
Tài chính không quyết định hết
Theo TS Phạm Văn Định, còn rất nhiều nước phát triển về kinh tế nhưng chưa có được một hệ thống quản lý chất thải bền vững khi lượng rác thải chôn lấp vẫn chiếm tỉ trọng cao (>15%). Ngược lại, một số quốc gia đang phát triển nhưng đã học hỏi nghiêm túc sự thành công của Đức và Nhật trong quản lý chất thải rắn để rút ngắn thời gian hoàn thiện mô hình quản lý chất thải rắn cho riêng mình. Điển hình cho việc học hỏi thành công có thể kể đến như Trung Quốc và Ấn Độ.
"Vấn đề sức mạnh tài chính không phải yếu tố chủ đạo quyết định đến hiện đại hóa hệ thống quản lý chất thải rắn. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi các mô hình quản lý chất thải rắn đã thành công trên thế giới" - TS Định nói.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-4
Bình luận (0)