Từ lâu, tín dụng chính sách xã hội đã được xác định là một trong những công cụ quan trọng để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội tại Việt Nam. Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chính sách này đã chứng tỏ vai trò của mình trong việc giúp đỡ hàng triệu người dân thoát khỏi nghèo đói, tạo việc làm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
NHCSXH cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn tại hơn 11.000 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn trong cả nước (Ảnh: NHCSXH)
Krông Jing, một xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện M’Drắk, Đắk Lắk, là một ví dụ tiêu biểu cho sự thành công của tín dụng chính sách xã hội. Trước năm 2005, cuộc sống của người dân ở đây gặp rất nhiều khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp lạc hậu. Tình trạng bán lúa non và tín dụng đen diễn ra phổ biến, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, từ khi chương trình tín dụng chính sách được triển khai, với sự hỗ trợ của ngân hàng và chính quyền địa phương, người dân đã có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Krông Jing Y Liêu Niê (áo trắng, thứ hai từ phải qua) cùng cán bộ NHCSXH thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn đồng bào sử dụng vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh
Ông Y Hoan Ksơr, Buôn trưởng buôn M'Lốc B xã Krông Jing, chia sẻ: "Chính sách tín dụng xã hội đã giúp bà con giải quyết được nhiều vấn đề bức bách trong cuộc sống, từ đó không còn phải lo đói và có thể tự tin phát triển kinh tế." Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trong buôn đã giảm mạnh, nhiều hộ gia đình đã xây được nhà kiên cố, mua sắm được nhiều tiện nghi, và đặc biệt là không còn ai phải bán lúa non hay vay nợ tín dụng đen.
Không chỉ giúp người dân thoát nghèo, tín dụng chính sách xã hội còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng vững mạnh. Các tổ chức tín dụng, cùng với sự đồng hành của các tổ chức chính trị - xã hội, đã giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn, phát triển sản xuất và cải thiện điều kiện sống. Sự kết hợp chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp Krông Jing từ một xã nghèo khó vươn lên trở thành một cộng đồng phát triển.
Đến 31/7/2024, tổng nguồn vốn chính sách đạt trên 373.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 22/11/2014). Nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt 47.350 tỷ đồng, chiếm 12,7%/tổng nguồn vốn, tăng 43.542 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Những con số này thể hiện quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương và NHCSXH trong việc tập trung huy động nguồn lực tài chính nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời và ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đây cũng là cơ sở để NHCSXH thực hiện tốt chức năng cung ứng vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao, tạo điều kiện giúp trên 21 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay đạt trên 733.000 tỷ đồng.
Bình luận (0)