Chị Huyền Nguyễn hiện đang sống và làm việc tại thành phố Houston (Mỹ) chia sẻ: "Tôi qua Mỹ làm việc và định cư được 5 năm rồi và đã cùng chồng – anh Christian Chavez - đón 2 dịp Tết âm lịch. Năm nay sẽ rất đặc biệt vì đây là lần thứ 3 tôi cùng chồng đón Tết nhưng trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp."
Chồng chị, anh Christian Chavez, hào hứng kể: "Dù là người Mỹ nhưng tôi rất yêu thích và tôn trọng văn hóa truyền thống của Việt Nam. Vì thế, Tết năm nào tôi cũng háo hức tham gia chuẩn bị cùng vợ. Hai vợ chồng đi chợ người Việt mua sắm đồ Tết và cùng nhau đi chùa vào sáng mùng 1."
Chị Huyền Nguyễn đi chợ Tết người Việt cùng chồng. Chị chia sẻ, ngày Tết ở xứ sở cờ hoa dù vẫn đầy màu sắc nhưng không thể rộn ràng giống như ở Việt Nam vì mọi người đều vẫn phải đi làm như thường ngày. Tuy vậy, hai vợ chồng luôn cố gắng thực hiện tuần tự và đầy đủ các hoạt động như đi chợ xuân, mua bánh chưng bánh tét, mứt tết, hạt dưa, hoa mai, hoa đào, cây quất.
Những người Việt xa xứ đều xoay sở chuẩn bị ngày Tết phương xa giống với ngày còn ở quê nhà vì hơn ai hết họ là người mong muốn cảm nhận được tròn đầy hương vị Tết Việt. Anh Christian Chavez cho biết: "Hai vợ chồng sống ở Houston, nơi có cộng đồng người Việt đông đảo nên các mặt hàng phục vụ Tết rất đa dạng. Những món ăn truyền thống làm sẵn mà Huyền muốn mua đều có ở chợ Việt. Năm đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng sang năm thứ hai thì tôi đi chợ Tết người Việt còn thuần thục hơn vợ mình. Thậm chí tôi còn biết trả giá (cười to). Thú thật là tôi rất mong được “ăn” Tết Việt, lúc đó tôi được ăn món mình thích nhất là bánh chưng chiên. Tôi hiểu ngày Tết quan trọng đối với vợ tôi cũng như cộng đồng người Việt vì đây là dịp để mọi người trong gia đình sum họp sau một năm đi làm ăn khắp nơi. Đây cũng là dịp để người Việt tưởng nhớ tổ tiên, quê nhà."
Anh Chavez luôn rất tâm lý khi năm nào cũng cùng vợ trang trí một góc bàn truyền thống để có không khí giống ở quê hương nhất có thể. Anh luôn an ủi, động viên chị Huyền kèm theo lời hứa sẽ theo vợ về Việt Nam ăn Tết nhiều nhất có thể.
Mâm cơm ngày đầu năm, trong đó có món “bánh chưng chiên” yêu thích của anh Christian Chavez
Chị Thư Dương hiện sống tại bang Philadelphia (Mỹ) cho biết thường cùng bạn trai Nathan CW quây quần cùng bạn bè trong dịp năm mới. Tuy nhiên, do đại dịch Covid -19 năm nay diễn biến phức tạp, nên các hoạt động đông người có phần hạn chế hơn.
Chị Hoa Phan ở bang Michigan thì bộc bạch là chồng chị rất mong tận hưởng Tết cổ truyền để cảm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa Việt. Khi nghe vợ kể là trẻ em thường được nhận tiền lì xì (lucky money) thì anh ấy đã tìm hiểu xem vợ làm gì với số tiền này lúc nhỏ. Khi biết các em thiếu nhi thường được phụ huynh giữ tiền lì xì giúp thì anh khác ngạc nhiên và còn dặn vợ sau này đừng lấy tiền lì xì của con.
Chị Nguyên Trương cũng ở Michigan tiếp lời thêm là bạn trai chị rất ấn tượng với trang phục áo dài hết sức duyên dáng, thanh lịch mà phụ nữ Việt thường diện trong dịp Tết.
Đón Tết xa nhà song chị Thư Dương cùng các bạn bè mình sửa soạn mâm cỗ rất đủ đầy, tươm tất.
Các bạn bè của chị Thư Dương còn tự tay gói và nấu bánh chưng bằng nồi áp suất
Ẩm thực là một phần quan trọng của ngày Tết. Một bữa ăn hấp dẫn với các món ăn mang đậm phong vị quê hương do chị Hoa Phan ở bang Michigan thực hiện. Chồng chị thích tất cả các món ăn cổ truyền Việt Nam, trừ món chả giò có tai heo.
Tết luôn đến trong tim mỗi con người Việt Nam. Dù ở đâu, họ luôn mong ngóng ngày Tết Nguyên Đán để gia đình được quây quần hạnh phúc, chúc tụng và hi vọng năm mới may mắn. Với những người con tha hương, họ cũng có cách hưởng Tết đầy đủ, văn minh và giàu tình cảm nhất. Anh Hoàng Quốc Đạt sống ở tỉnh Saimata (Nhật Bản) kể nhờ người vợ rất mực hiểu biết và cảm thông là Miho, mà anh vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Mỗi dịp tết thì Miho đều cùng chồng đi chùa Việt Nam, thắp nhang vái ông bà tổ tiên, xin xăm, hái lộc.
Một góc trang trí Tết ở chùa Nam Hòa - Samata. Đây là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên tại tỉnh Saitama thuộc thị trấn Koshigaya được hình thành trên nước Nhật.
Những năm trước, khi chưa xảy ra đại dịch, Miho thường cùng chồng mời các gia đình người VIệt sống quanh khu phố để bày tiệc, ôn lại những kỉ niệm ăn Tết ở Việt Nam và tạo không khí ấm cúng cho chồng, giúp anh nguôi ngoai nỗi niềm hoài hương.
Hai vợ chồng anh Hoàng Quốc Đạt thích thú bày soạn đủ đầy các món ăn ngày Tết. Miho thường bày tỏ ước muốn sau khi này hết dịch Covid, cô có thể cùng chồng và con về Việt Nam đón Tết trọn vẹn
Còn cặp đôi Nguyễn Phan Linh và Zuzana (người CH Czech) là ví dụ khá sinh động về một thế hệ công dân toàn cầu. Họ đã cùng nhau đi qua nhiều nước trước khi chọn Singapore làm nơi sinh sống làm việc đến bây giờ. Singapore là một đảo quốc đa sắc tộc, dân số có hơn 70% là người gốc Hoa, điều hiển nhiên là mọi người Singapore đều được nghỉ lễ vào dịp năm mới của người gốc Hoa.
Những năm trước dịch COVID, phần đông người Việt sẽ về nước để ăn Tết vì khoảng cách đi lại giữa Singapore và Việt Nam cũng rất gần. Tuy vậy, những ai làm trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng và ăn uống thì thường ở lại làm việc.
Linh và Zuzana đã hẹn hò nhau một thời gian dài nên rất am hiểu văn hoá hai bên. Lúc còn ở CH Czech, là quê hương của Zuzana, may mắn là bên đó có cộng động người Việt rất đông, nên để chuẩn bị cho những ngày Tết, về thực phẩm thì không sợ thiếu; chỉ thiếu mỗi không khí Tết vì Tết hay rơi vào khoảng cuối tháng 1 đầu tháng 2.
Lúc đó ở châu Âu thì mọi người vẫn đi làm bình thường. Từ năm 2016, cả hai chuyển về Singapore, nên việc đi về Việt Nam những kì nghỉ, lễ, Tết đơn giản hơn nhiều. Cả hai thường xuyên về Việt Nam đón Tết cổ truyền với gia đình Linh. Zuzana được Linh chia sẻ và cùng tham gia lễ cúng ông Công, ông Táo, rồi đi Tảo Mộ, mời ông bà tổ tiên cùng về đón Xuân với con cháu trong nha.
Năm trước, Linh và Zuzana về ăn Tết tại quê hương Nghệ An
Năm 2021 thì chắc chắn Tết sẽ khác so với những năm trước. Hầu như người Việt mà Linh biết chọn ở lại Singapore. Mọi người dự định cùng hội họp tại nhà của một người bạn nào đó, và chỉ được tối đa 8 người. Đây là luật mới của Chính Phủ Singapore, vẫn phải giãn cách xã hội.
Linh và Zuzana đã tìm được địa điểm bán hàng hoá Việt Nam tại Singapore và đặt trước những thứ rất Việt Nam, như bánh chưng, củ kiệu. Còn những món khác thì đến hôm Tết, sẽ cùng các bạn người Việt lên thực đơn và nấu nướng luôn.
Zuzana và các thành viên gia đình Linh cùng thướt tha trong tà áo dài
Chút sáng tạo của đôi bạn trẻ Linh - Zuzan với món bánh tét ăn kèm trứng ốp la, tráng miệng bằng kẹo cu đơ và không thể thiếu tách trà ấm nóng.
Tết cổ truyền trong tâm thức người Việt bao đời nay đã mang ý nghĩa đoàn viên, đánh dấu thời khắc chuyển giao năm cũ qua đi và năm mới bắt đầu. Dẫu thời gian qua có quá nhiều khó khăn thách thức do dịch bệnh, thì mùa xuân mới đang về vẫn thắp lên niềm hy vọng mới và nhiều niềm vui. Những gia đình đa văn hóa đã và đang góp thêm những gam màu đẹp vào bức tranh đa sắc về tinh thần Tết Việt khắp năm châu.
Bình luận (0)