Trong tháng 2-2024, Nhà hát Kịch IDECAF sẽ công diễn vở kịch lịch sử "Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt" (tác giả: Phạm Văn Quý, đạo diễn: Hoàng Duẩn), ngoài ra còn có các vở sử Việt khác như "Trần Thủ Độ - Anh hùng và gian hùng" (tác giả: Lê Chí Trung, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt) và "Nữ đại đế Mê Linh" theo thể loại cải lương, kịch hát dân tộc Nam Bộ của tác giả Vũ Minh - Bạch Long.
Tìm ngôi sao cho kịch lịch sử
Bên cạnh các vở sử Việt vừa kể trên, Nhà hát Kịch IDECAF cũng đã phối hợp với Đồng ấu Bạch Long dàn dựng vở sử Việt "Xuân về trên đất Thăng Long" biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Nón Lá (Cung Văn hóa Lao động TP HCM).
Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn - Nhà hát Kịch IDECAF, bên cạnh việc đầu tư tới nơi tới chốn các khâu sáng tạo nghệ thuật, IDECAF cũng chú trọng việc tạo điều kiện cho đội ngũ diễn viên trẻ có cơ hội tỏa sáng. "Chúng tôi đề ra mục tiêu là những vở diễn về chủ đề sử Việt sẽ do các diễn viên trẻ giỏi nghề đảm trách, trong số này sẽ có những nhân tố trở thành diễn viên ngôi sao trong tương lai. Muốn vậy thì chúng tôi phải đầu tư từ bây giờ" - ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Theo các nhà chuyên môn, nhân vật Trần Thủ Độ đã có nhiều nghệ sĩ xuất sắc đủ các bộ môn kịch, chèo, cải lương, dân ca kịch đảm nhận nên việc chọn vở diễn nói về nhân vật này là quyết định táo bạo của Nhà hát Kịch IDECAF. "Tôi chọn vở "Trần Thủ Độ - Anh hùng và gian hùng" để tạo góc nhìn mới về nhân vật sử qua cách dựng trẻ trung, đồng thời tạo đà cho dàn diễn viên trẻ của thương hiệu IDECAF hiện nay phát huy sáng tạo, như: Đình Toàn, Đại Nghĩa, Quang Thảo, Phi Nga… Vở "Nữ đại đế Mê Linh" theo thể loại cải lương, kịch hát dân tộc Nam Bộ của tác giả Vũ Minh - Bạch Long cũng là cơ hội để diễn viên trẻ thể hiện nhân vật Hai Bà Trưng" - ông bầu của IDECAF thông tin.
NSND Hồng Vân cho biết tại Sân khấu Kịch Hồng Vân, khi thực hiện các vở kịch sử Việt bao giờ cũng là một ê-kíp các diễn viên dàn bao vững hỗ trợ cho đồng nghiệp trẻ. "Dàn diễn viên trẻ như Hoàng Yến, Hoàng Khôi, Kha Uy, Trung Anh, Tiểu Minh Phụng, Khôi Nguyên… từ bước đệm này đã ngày càng vững vàng hơn về chuyên môn qua các vai diễn trong tác phẩm sử Việt trên Sân khấu Kịch Hồng Vân" - NSND Hồng Vân nhấn mạnh.
Vai diễn phải có sức sống
Với NSƯT Kim Tử Long, khi nhận lời tham gia với vai trò cố vấn nghệ thuật và diễn một vai trong vở "Tình sử Thăng Long", chính là cách ông và NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Hoàng Sơn dốc hết tâm trí để đào tạo một thế hệ diễn viên kế thừa trong tương lai. "Kịch bản sử Việt rất khó làm, cách diễn xuất cũng đòi hỏi phải đào sâu độ tinh tế, không phải diễn như kịch sinh hoạt, mà vai diễn phải có sức sống, độ khái quát cao về tính sử trong dòng chảy của quá khứ" - NSƯT Kim Tử Long chia sẻ.
Giới chuyên môn cho rằng hiện nay vở diễn ngoài dàn diễn viên thì còn cần cảnh trí đẹp, âm nhạc, phục trang, kỹ thuật công nghệ để hỗ trợ diễn xuất. Phục trang đẹp là một yếu tố thu hút khán giả, song với các vở diễn sử Việt, diễn viên phải cẩn trọng khi khoác lên mình những phục trang bởi các trang phục này phải phù hợp niên đại mà vở diễn đề cập.
"Cần có những lớp tập huấn của Hội Sân khấu TP HCM với các sàn diễn xã hội hóa hiện nay, để các nhà sử học, các đạo diễn, tác giả có cái nhìn chuẩn xác về những nhân vật của kịch sử Việt, nhất là về trang phục" - NSND Trần Minh Ngọc đề xuất.
Đạo diễn Lê Quý Dương nhận định điều khó nhất khi dựng kịch sử Việt là phải có góc nhìn đương đại. Hư cấu nhưng không được xuyên tạc hay bịa đặt, bóp méo lịch sử. Quan trọng hơn là diễn xuất của diễn viên thể hiện rõ những bài học hiện đại sâu sắc và có giá trị đương thời từ câu chuyện lịch sử để khán giả đón nhận, cảm thụ.
Những người trong cuộc cho rằng dựng kịch sử Việt đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư cho khâu kịch bản, thiết kế sân khấu, trang phục, âm nhạc... Do vậy, rất cần có cơ chế đặc thù nhằm giúp các sàn diễn được giảm giá thuê rạp, hỗ trợ giá vé... để có thể phục vụ được đông đảo khán giả, nhất là các đối tượng khán giả không có thu nhập hay thu nhập thấp (học sinh, sinh viên, công nhân...).
Bình luận (0)