Cả nhóm cùng TS Nguyễn Thị Ly Kha (thứ hai từ trái sang) nhận Giải nhất Eureka 2010
Sau những chuyến đi thăm các trường trẻ khuyết tật về, với những trăn trở làm sao có thể giúp các trẻ em khuyết tật có thể phát âm được tốt như người bình thường, Đỗ Minh Luân – sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM - đã quyết tâm phải tìm một giải pháp điện tử để giải quyết vấn đề này.
Khi Luân trình bày ý tưởng, TS Nguyễn Thị Ly Kha – Trưởng Khoa Giáo dục Tiểu học - đã giới thiệu hai người bạn cộng tác là Phạm Hải Lê (học cùng khoa) và Đỗ Minh Châu (học sinh lớp 11 Trường Trung học Thực hành Sư phạm TPHCM) để giúp Minh Luân thực hiện được đề tài của mình.
Từ những trăn trở ...
“Từ những lần đi thực tập giảng dạy thực tế, chúng tôi đã gặp những bé có hoàn cảnh và bị thiểu năng trí tuệ. Những trẻ này đều không phát âm được các phụ âm. Nhiều em không phát âm được tất cả các phụ âm, rất nhiều nguyên âm không nói đúng, không lặp lại được chuỗi 2 âm tiết, chỉ biết được 3-4 bộ phận cơ thể, không có “khái niệm” ông, bà, bố, mẹ, không hiểu câu hỏi có không... Cả nhóm nhận thấy trẻ bị hội chứng ADHD (Attention deficit hyperactivity disorder - chứng tăng động giảm chú ý) kèm dị dạng BMPA (bộ máy phát âm) rất khó khăn khi phát âm. Vốn ngôn ngữ của trẻ rất nghèo nàn so với trẻ bình thường cùng độ tuổi. Các trẻ chúng tôi chọn có tuổi thực 7, 8, 9, 14 tuổi, nhưng khả năng ngôn ngữ và hiểu biết xã hội chỉ tương đương trẻ 2 tuổi rưỡi, 3 tuổi hay 3 tuổi rưỡi. Chúng tôi quyết định phải làm một thứ gì đó để giúp các bé học tốt hơn, cũng như các cô bảo mẫu dạy dễ dàng hơn. Điều đó đã dẫn chúng tôi đến việc bắt tay vào nghiên cứu. Tuy nhiên, đến khi được cô Ly Kha cung cấp cho ý tưởng xây dựng phương tiện điện tử như trên, cả nhóm mới có hướng nghiên cứu đúng và đạt được kết quả như ngày hôm nay” - Minh Luân cho biết đó chính là động lực lớn lao để cả nhóm quyết định tạo ra sản phẩm “Xây dựng phương tiện điện tử hỗ trợ chỉnh âm và MRVT cho trẻ bị chứng ADHD kèm dị tật BMPA” với mong muốn giúp giáo viên, phụ huynh và trẻ khuyết tật trí tuệ có thêm một phương tiện tiện ích trong việc mở rộng vốn hiểu biết, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ và hỗ trợ chỉnh âm cho trẻ.
Tại Liên hoan Sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ lần II năm 2011, Ban Thường vụ Thành Đoàn đã tôn vinh, trao Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Eureka lần thứ 12 năm 2010 cho 74 công trình xuất sắc thuộc 11 lĩnh vực của 162 tác giả. Trong đó, đề tài “Xây dựng phương tiện điện tử hỗ trợ mở rộng vốn từ và chỉnh âm” của nhóm tác giả Phạm Hải Lê, Đỗ Minh Luân, Phạm Minh Châu - sinh viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM - đã vinh dự được trao Giải nhất Eureka 2010. Đỗ Minh Luân nay đã là giáo viên tăng cường tiếng Anh tiểu học – Trường Tiểu học Chính Nghĩa, Phạm Hải Lê hiện đang học Cao học tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Bạn đọc quan tâm đến sản phẩm của nhóm có thể liên lạc với Minh Luân qua email: dominhluan4@gmail.com. |
... đến xây dựng phần mềm
Để xây dựng phần mềm hỗ trợ chỉnh âm và MRVT cho trẻ bị hội chứng ADHD kèm dị tật BMPA, cả nhóm đã phải dày công sử dụng các phương pháp chủ yếu như nghiên cứu lý luận, quan sát, thống kê, phỏng vấn, tổng kết kinh nghiệm, lập trình theo hướng đối tượng, thử nghiệm, phân tích, so sánh, xin ý kiến chuyên gia.
Giao diện phần mềm điện tử hỗ trợ chỉnh âm và hỗ trợ MRVT
Tiếp theo, nhóm lại bắt tay vào xây dựng bộ CD-ROM Phần mềm hỗ trợ chỉnh âm và MRVT. Cụ thể là CD-ROM_1 tập hợp gần 100 mục âm, từ, câu hỗ trợ chỉnh âm kèm theo gần 100 video clip và đoạn ghi âm minh họa, kèm theo một số giáo án điện tử do giáo viên dạy thử nghiệm soạn. CD-ROM_2 gồm từ điển hình ảnh tập hợp 1.500 mục từ và hình ảnh minh họa và các bộ hình ảnh theo chủ đề. CD-ROM_3 là một từ điển phim tập hợp gần khoảng 50 mục từ gồm lời giải nghĩa kèm video clip minh họa. Kết quả là sản phẩm phần mềm điện tử mà cả nhóm xây dựng chạy ổn định và độc lập trên mọi máy tính; gồm hai nội dung: Hỗ trợ chỉnh âm và hỗ trợ MRVT. Phần hỗ trợ chỉnh âm bao gồm các mục âm (nguyên âm, phụ âm), âm tiết, từ cần luyện phát âm kèm phần phát âm mẫu. Phần hỗ trợ MRVT cũng được xây dựng thành một chương trình chạy độc lập trên máy đơn. Chương trình này bao gồm hai từ điển (từ điển phim và từ điển hình ảnh) và được trình bày theo quy trình: Từ ngữ cần cung cấp, hình ảnh hoặc phim minh họa, nghĩa của từ ngữ (được giải nghĩa một cách ngắn gọn, giản dị).
Ứng dụng tốt vào cuộc sống
Sau gần 3 tháng thử nghiệm, qua kết quả khảo sát, có thể nói phần mềm hỗ trợ chỉnh âm và MRVT mà nhóm xây dựng là một phương tiện tiện ích, góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ chỉnh âm và MRVT: Trẻ chú ý hơn (so với việc dạy dùng lời kèm phương tiện thông thường), trẻ chịu khó “bắt chước” hơn (so với việc để trẻ ngồi đối diện và yêu cầu trẻ “hãy làm theo thầy”, “hãy nói theo thầy”...). Đồng thời, trẻ xem từ điển gần như xem một trò chơi, thời gian trẻ xem cũng lâu hơn so với trường hợp trẻ xem một tập tranh ảnh..., nhóm nghiên cứu nhận xét. Qua việc kiểm tra độ chú ý của trẻ, cả nhóm nhận thấy khi sử dụng phần mềm, trẻ nói nhiều hơn, tự giác nói hơn so với khi luyện chỉnh âm và MRVT theo kiểu truyền thống (giáo viên dùng lời và yêu cầu trẻ làm theo, nói theo). Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, theo tính toán sơ bộ, trẻ nói nhiều gấp 2 – 2,5 lần so với dùng lời và phương tiện thông thường. Hơn nữa, trẻ tự giác nói, không đợi yêu cầu nhắc nhở (như khi dùng cách thức và phương tiện tác động truyền thống).
Đề tài đã được thực hiện tại Làng Trẻ em Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ TPHCM
Đến nay, bộ phần mềm hỗ trợ chỉnh âm và MRVT cho trẻ bị chứng ADHD kèm dị dạng BMPA và chậm phát triển trí tuệ đang được cả nhóm thử nghiệm tại Làng Hòa Bình, Trung tâm Nuôi dưỡng phục hồi chức năng cho trẻ bị nhiễm chất độc da cam, Bệnh viện Từ Dũ và một vài trung tâm có nuôi dạy trẻ bị chứng ADHD, khuyết tật trí tuệ kèm dị dạng BMPA trên địa bàn TPHCM.
Tiếp tục cải tiến
Song song thử nghiệm sự hỗ trợ của phần mềm đối với trẻ, cả nhóm còn tiến hành thẩm định sản phẩm bằng cách phỏng vấn ý kiến các bác sĩ phục hồi chức năng, bác sĩ tâm lý, bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ vật lý trị liệu, bác sĩ điều dưỡng, cô nuôi dạy trẻ cùng các chuyên gia về giáo dục đặc biệt và giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học. Các ý kiến của chuyên gia đều cho rằng đây là một ý tưởng hay, công trình được thực hiện công phu, đảm bảo mục đích chỉnh âm, MRVT cho trẻ ADHD kèm dị dạng BMPA, chậm phát triển trí tuệ. Một số chuyên gia còn cho rằng sản phẩm này còn là một phương tiện “hỗ trợ tốt cho cả đối tượng dạy học là trẻ bình thường”.
Nhóm cũng sẽ tiếp tục nâng cấp phần mềm, bổ sung tư liệu và hoàn thiện phần dữ liệu, nhất là việc nâng cao chất lượng các video clip về độ sáng, âm thanh. Theo anh Minh Luân, phần mềm này là cơ sở để cả nhóm hướng đến việc tìm tòi và xây dựng thêm phần trò chơi (cũng nhằm mục đích hỗ trợ chỉnh âm và MRVT) trong thời gian tới.
Chia sẻ về quá trình thực hiện đề tài, anh Minh Luân cho biết nhóm đã phải làm việc sau giờ học và trong các ngày nghỉ vì vừa phải đảm bảo thời gian học cho mọi thành viên trong nhóm. Người giúp đỡ nhóm nhiều nhất là cô Nguyễn Thị Ly Kha. Cô là giáo viên hướng dẫn chính duy nhất cho đề tài của nhóm và là nhà tài trợ đặc biệt của cả nhóm |
Bình luận (0)