xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Niềm tự hào mang tên Ngô Bảo Châu

Nam Yên

19-8-2010, ngày không thể quên khi Việt Nam ghi dấu trên bản đồ toán học thế giới bằng giải thưởng Fields danh giá của giáo sư Ngô Bảo Châu

Ngày 19-8, càng nhích đến thời khắc 12 giờ 55 phút (giờ Việt Nam), cộng đồng mạng càng nóng hơn bao giờ hết và tất cả như vỡ òa khi trang chủ của Đại hội Toán học thế giới (ICM) 2010 công bố tên Ngô Bảo Châu với công trình chứng minh Bổ đề cơ bán của Chương trình Langlands là chủ nhân của Fields Medal 2010.

Sôi sục từng phút

Gần như ngay lập tức, hàng loạt status trên Yahoo! Messenger, Facebook đổi thành: “Giáo sư Ngô Bảo Châu đã đoạt giải”, “Chúc mừng giáo sư Ngô Bảo Châu”, “Tự hào Ngô Bảo Châu!”

img

GS Ngô Bảo Châu nhận huy chương Fields từ tay Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil

Lời chúc mừng nườm nượp bay về các diễn đàn, mạng xã hội và tất nhiên không thể thiếu trang blog Thích Học Toán của giáo sư Ngô Bảo Châu. Các báo điện tử liên tục cập nhật từng diễn biến từ Hyderabad (Ấn Độ) - nơi trí tuệ Việt Nam đang được tôn vinh.

“Trong những lĩnh vực khoa học, Việt Nam ít có cơ hội nổi bật như khi thi tài về thể thao, nghệ thuật hay sắc đẹp. Chính vì vậy, em đã theo dõi từng ngày, từng giờ để mong chờ kết quả. Cảm ơn anh đã mang lại cơ hội tỏa sáng trong khoa học cho Việt Nam” - Bạn đọc Hạ Lam chúc mừng trên một tờ báo mạng. Bạn đọc Nguyễn Thị Mỹ Tâm ở Campuchia “mừng đến rơi nước mắt” khi biết tin: “Sát giờ công bố kết quả chính thức, nhà em lại cúp điện. Hơn một giờ sau có điện lại, em lập tức lên mạng, thấy hình anh được nhận giải em vui không thể tả”. Còn đối với nickname sonvna, niềm vui này “còn vui hơn khi đội tuyển bóng đá Việt Nam vô địch Đông Nam Á!”.

Sự tự hào khiến cư dân mạng tin rằng giáo sư Châu chính là “bảo vật quốc gia, là tấm gương sáng cho thế hệ học sinh - sinh viên ngày nay và là bức tranh sống động về lý tưởng cho các nhà khoa học hiện tại” (Nhóm Kỹ thuật vctel.com). Nickname son còn cho rằng giáo sư Châu “xứng đáng được dựng bia tiến sĩ tại Quốc Tử Giám vì những đóng góp to lớn cho khoa học”.

Một thời “nhất quỷ, nhì ma...”

Quá quen thuộc qua hình ảnh giản dị mà đĩnh đạc, ít ai biết vị giáo sư trẻ tuổi này cũng từng bị trách mắng vì vi phạm nội quy những ngày còn cắp sách đến trường. Khá kiệm lời về cuộc sống riêng tư, tuổi học trò sống động của giáo sư Châu chỉ được tiết lộ nhờ sự chia sẻ của các bạn đồng học và qua ký ức của người thân.

img

Lớp chuyên toán A0 của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy

Sinh năm 1972, giáo sư Ngô Bảo Châu là con trai một của GS-TSKH Ngô Huy Cẩn và PGS-TS Trần Lưu Vân Hiền. Có lẽ “thất bại” duy nhất của Châu “Bò” - biệt danh thời đi học của giáo sư Ngô Bảo Châu - là thi trượt vào lớp 6 chuyên toán của trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Châu “Bò” gia nhập năm lớp 7. Bạn hòa nhập rất nhanh và ngay lập tức đã khẳng định vị trí số một về học toán. Điều này làm chúng tôi tương đối bất ngờ. Một bạn học học lớp 6 “thường” mà dám cạnh tranh với học sinh chuyên toán nhà nòi” - anh Nguyễn Hoàng Anh, một trong những bạn học thân thiết của giáo sư Châu hồi tưởng trên Vietnamnet.

Kết thúc cấp hai, Châu “Bò” thi đậu vào lớp chuyên toán Trường Đại học Tổng hợp (gọi là A0). Trong trí nhớ của bạn bè, Châu “Bò” đã sớm khẳng định ngôi vô địch học toán từ những năm phổ thông. “Cách học thông thường của chúng tôi là thầy giáo giao một bài toán và chúng tôi “châu đầu” vào giải. Giải được thì tốt, không giải được thì thầy hướng dẫn, gợi ý. Bài toán kết thúc khi chúng tôi giải xong. Châu “Bò” thì khác hẳn, thường giải xong một bài toán và tự đề xuất một bài toán khác, lớn hơn và bao quát hơn. Điều này khiến chính các thầy giáo cũng phải ngỡ ngàng” - Anh Hoàng Anh cho biết.

Học trên Ngô Bảo Châu một lớp nhưng cùng đi thi Olympic Toán quốc tế năm 1988 tại Úc, Phó Tổng Giám đốc FPT Software Phan Phương Đạt kể lại trên Facebook: “Thi toán quốc tế chia làm hai ngày, mỗi ngày làm 3 bài trong vòng 4, 5 giờ. Mỗi ngày chỉ có một bài khó là bài 3 và 6, bốn bài còn lại là bình thường đối với hội chuyên toán. Cho nên hai lần thi, tôi đều làm được 4 bài đó và lấn thêm đâu đó 1 điểm, tức là 29. Năm 1988 Châu giải hai bài 3 và 6 ngon ơ, được tối đa 42 điểm, bỏ xa lũ chúng tôi 13 điểm”.

Nhắc đến Châu “Bò”, các bạn học cũ của anh không quên những tài lẻ ngoài toán như chạy xe đạp buông hai tay vừa đi vừa luồn lách; những bài văn mang phong cách dân học toán, lập luận khúc chiết, chặt chẽ thường đạt điểm cao...

“Gia đình Châu thuộc loại khá giả, được đi dép nhựa trong khi đa phần chúng tôi đi dép cao su. Có lần, chơi ném ống bơ trong giờ, Châu bị bắt, còn tôi thì thoát. Phải lên Phòng Hội đồng của trường làm kiểm điểm, cậu ấy bảo tôi đổi dép, vì sợ nhỡ bị nhà trường thu dép thì mất đôi dép cao su đỡ tiếc hơn đôi dép nhựa. Ngoài ném ống bơ, chúng tôi cùng nhau đá cầu, đá bóng. Châu đá cầu giỏi, còn đá bóng thì dở” - Anh Hoàng Gia Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính Vinashin, kể về bạn thân.

img

Ngô Bảo Châu và mẹ

“Con người như thế mà lại mê tín đấy. Tôi nhớ hồi ấy, trước mỗi kỳ thi, chúng tôi lại cùng nhau ra đền Ngọc Sơn để cầu may” - Anh Hiệp chia sẻ. Bà Vân Hiền cũng kể con trai bà thích được ông ngoại đưa đi thi vì có vẻ như ông đem lại may mắn. Trong những kỳ thi, cậu học sinh Bảo Châu luôn mang theo một lọ penicilin đựng nước sâm và uống ngay sau khi đọc đầu bài để vững tâm hơn.

Thần tượng của giới trẻ

Thành công rực rỡ của giáo sư Ngô Bảo Châu khiến nhiều bạn trẻ xem anh như thần tượng. Từ trước đến nay tồn tại quan niệm “theo toán là chấp nhận nghèo”. Anh Nguyễn Thành Quang (giảng viên Khoa Toán - Đại học Vinh) bộc bạch trên diễn đàn Toán Việt Nam (math.vn): “Nhiều bạn trẻ giỏi không muốn theo học toán và các ngành khoa học cơ bản bởi lẽ học tập vất vả so với nhiều ngành học khác nhưng

ra trường khó xin việc, lương thấp”.

Sự kiện Ngô Bảo Châu khiến giới trẻ hy vọng một bước ngoặt cho nền toán học nước nhà. Cũng trên math.vn, nickname dduclam bày tỏ: “Nhờ giáo sư Ngô Bảo Châu, lần đầu tiên Việt Nam có tiếng nói quan trọng tại hội nghị toán học lớn nhất hành tinh. Đây là một cơ hội lớn, một cú hích lớn tiếp thêm niềm tin cho nhiều bạn trẻ đã và đang có ý định theo toán”. Bạn đọc Lê Minh ở Thanh Hóa hồ hởi: “Chính phủ vừa phê duyệt chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học đến năm 2020 với số tiền 651 tỉ đồng. Hy vọng Việt Nam sẽ có một trung tâm nghiên cứu toán học đủ lớn để rút ngắn khoảng cách với thế giới cũng như chuyển dần từ toán học hàn lâm sang toán học ứng dụng, góp phần xây dựng đất nước”.

Mê toán và si tình

“Châu “Bò” biết yêu từ lớp 12 là khẳng định của nhiều bạn học của giáo sư Ngô Bảo Châu. “Cũng chẳng phải ai xa lạ, người trong tim và sau này Châu “Bò” lấy làm vợ chính là bạn Bảo Thanh, cũng là bạn học của chúng tôi từ hồi học chuyên Toán Trưng Vương. Thanh rất xinh, da trắng như trứng gà bóc. Đến sau khi cưới, cả hai vẫn xưng hô là “mày, tao”, dễ thương như hồi học cấp hai” - Anh Nguyễn Hoàng Anh kể.

Còn anh Hoàng Gia Hiệp nhớ lại: “Châu và Thanh yêu nhau lúc nào tôi không biết. Hai người thật sự rất kín chuyện này. Nhưng qua mẹ Châu, tôi biết anh rất si tình, đến mức mà nhiều khi mẹ anh cũng cảm thấy xót con. Nghe đâu bố mẹ Châu bắt phải học xong đại học mới cho lấy vợ. Thế là cậu chỉ mất ba năm là tốt nghiệp cử nhân để còn lấy vợ”. Giáo sư Ngô Bảo Châu kết hôn khá sớm, vào năm 22 tuổi, đến nay đã có ba cô con gái xinh xắn.

 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo