Ông Đào Anh Tuấn, đại diện Liên minh phần mềm DN Việt Nam
Song khối người tiêu dùng, là nơi có tốc độ tăng số máy tính cá nhân mua mới rất cao đi kèm với các phần mềm "lậu", đã làm giảm tác dụng của các nỗ lực kéo tỷ lệ vi phạm BQPM xuống”. Ông Đào Anh Tuấn, đại diện Liên minh phần mềm DN Việt Nam (BSA) đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với báo Kinh tế Việt Nam.
Thực tế, vẫn đang phổ biến hiện tượng người dùng và DN sử dụng các sản phẩm phần mềm không có bản quyền. Ông nhận định như thế nào về tình trạng này ở Việt Nam?
Theo báo cáo gần đây của BSA và IDC, tỷ lệ vi phạm BQPM của Việt Nam là 85%. Thiệt hại từ vi phạm BQPM của Việt Nam hiện tăng lên tới 353 triệu USD, đứng thứ 24 trong số 30 quốc gia có giá trị vi phạm BQPM cao nhất.
Không chỉ riêng phần mềm mà chúng ta cũng đang chứng kiến những bức xúc của người lao động sáng tạo trong các lĩnh vực khác như âm nhạc, xuất bản. Con số cụ thể dù là x% hay y% nhưng cứ nhìn thực tế ta thấy là ca sỹ, công ty băng đĩa ngại, không dám sản xuất. Nhà văn, nhà thơ, nhà xuất bản không dám trông chờ vào thu nhập từ việc bán sách hợp pháp của mình...
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã có những nỗ lực đáng kể trong việc chống vi phạm BQPM như đầu tư hàng chục triệu USD cho việc mua sắm BQPM, đẩy mạnh thanh tra BQPM… song tỷ lệ vi phạm BQPM vẫn không thay đổi, giữ mức 85%. Theo ông, điều gì khiến cho tỷ lệ vi phạm BQPM ở Việt Nam không giảm?
Chuyển biến nhận thức là một quá trình lâu dài, nhất là một khi tinh thần thượng tôn pháp luật chưa ăn sâu vào tâm thức mỗi người. Ngay việc tôn trọng luật giao thông, là cái ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng của mỗi người Việt Nam ta và được tuyên truyền, giáo dục với số lượng tiền của và thời gian khổng lồ, hiện vẫn ở mức báo động đỏ...
Trong lĩnh vực BQPM, không thể phủ nhận đã có những chuyển biến tích cực trong khối DN nhờ vào các hoạt động tuyên truyền và thực thi được triển khai mạnh. Song khối người tiêu dùng, là nơi có tốc độ tăng số máy tính cá nhân mua mới rất cao (52%), đi kèm với các phần mềm "lậu", đã làm giảm tác dụng của các nỗ lực kéo tỷ lệ vi phạm BQPM xuống.
Tình trạng vi phạm BQPM tràn lan không chỉ gây tổn thất cho ngành phần mềm nước nhà mà còn ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia. Theo ông, để cải thiện tình trạng này trong thời gian tới, chúng ta nên làm gì?
Điều quan trọng nhất vẫn là nhận thức của chúng ta. Muốn trò học giỏi thực chất thì nhà trường không thể dung túng việc quay cóp, xin điểm. Muốn những người lao động sáng tạo có động lực sáng tạo thì lao động và sản phẩm làm ra của họ phải được tôn trọng và bảo vệ. Và điều này càng trở nên đúng và cấp thiết hơn khi chúng ta đang hướng tới nền kinh tế tri thức, phấn đấu để trở thành một nước mạnh về CNTT.
Bảo vệ sở hữu trí tuệ là một trong những điều kiện đầu tiên để Việt Nam chúng ta sớm trở thành vườn ươm cho những doanh nghiệp "Apple" hay "Google" 100% Việt Nam.
Việc đầu tư thường xuyên cho IT nói chung và nâng cấp BQPM nói riêng thường rất tốn kém và phức tạp, trong khi đa số các DN Việt Nam là vừa và nhỏ, nguồn lực có hạn. Ông có chia sẻ gì với các DN đang “e ngại” vấn đề này?
Khi quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh, chúng ta thường chỉ tính tới các chi phí cho những thứ không thể không mua được (nhà xưởng, trang thiết bị văn phòng, kể cả hệ thống máy tính và mạng, điện nước, nguồn nhân lực...). Đó là bởi vì chúng ta không thể nhân danh eo hẹp ngân sách mà có thể đi chiếm đoạt hay sử dụng bất hợp pháp tài sản (nhà xưởng, máy móc...) hay sản phẩm (điện nước, văn phòng phẩm...) của người khác. Các tài sản trí tuệ, trong đó có phần mềm, thường không được coi như là các tài sản và sản phẩm "thông thường" nói trên và chủ sở hữu của các tài sản trí tuệ không được tôn trọng như các chủ sở hữu khác. Đó là do thói quen cũng như do việc không tôn trọng quyền tài sản của người khác không bị xử lý một cách nghiêm khắc. Vì vậy, cái gọi là "e ngại" ở đây sẽ mất đi khi mọi DN, dù lớn hay nhỏ, đều tôn trọng lao động, công sức làm ra sản phẩm của các DN sản xuất phần mềm, là những người cũng phải đầu tư, phải lao tâm khổ tứ mới làm ra được các sản phẩm phần mềm. Chúng ta nghĩ gì khi sản phẩm của chúng ta làm ra (thóc gạo, quần áo...) cứ bị người khác nghiễm nhiên lấy sử dụng mà không hề xin phép, trả tiền?
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)