Trong một thời gian dài, các nhà khoa học đã không thể tìm ra một giải pháp pin nào với độ hiệu quả và giá thành sản xuất vượt qua được loại pin lithium-ion/lithium-polymer hiện đại. Sự chững lại của các phát kiến pin năng lượng đã buộc các hãng di động phải tìm đến các linh kiện ngày càng tiết kiệm điện năng và nhỏ gọn hơn, cho phép bố trí nhiều pin hơn trong thiết bị. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đã bắt đầu gặp phải nhiều vấn đề, đơn cử là các loại màn hình tiết kiệm năng lượng mới như OLED có giá thành sản xuất cao. Một giải pháp khác được đặt ra là tìm cách sạc năng lượng cho các thiết bị liên tục, sử dụng công nghệ sạc không dây.
Với hơn 100 thành viên, dẫn đầu bởi các công ty công nghệ lớn nhất thế giới, bao gồm Intel, Qualcomm và Samsung Electronics, một tổ chức mang tên Alliance for Wireless Power (A4WP) đã đặt ra một tiêu chuẩn sạc không dây mới mang tên Rezence Baseline System Specification Version 1.2. Tiêu chuẩn này sử dụng công nghệ sạc không dây cộng hưởng từ (magnetic resonance charging), một phát kiến bởi nhà khoa học Nikola Tesla.
Khác với loại sạc không dây quy nạp (inductive charging), một thiết bị không cần thiết phải để áp trực tiếp lên bàn sạc không dây để nhận năng lượng, sạc cộng hưởng từ có thể cho phép truyền tải năng lượng cách xa thiết bị vài centimeter. Bằng cách này, các bộ sạc có thể được bố trí trong các đồ nội thất đặt trong nhà hoặc các nơi công cộng, tạo ra nguồn năng lượng liên tục đến thiết bị mà không đòi hỏi người dùng phải để ý đến, gần như hoàn toàn loại bỏ lo ngại về việc hết pin.
Tiêu chuẩn Rezence cho phép một bộ sạc có thể nạp điện cho nhiều thiết bị cùng lúc với hiệu suất cao. Trong khi đó, một công nghệ mới từ hãng Qnovo cũng đang được dần hoàn thiện, cho phép các bộ sạc có khả năng tính toán một cách thông minh để tối ưu hóa tốc độ sạc cho các thiết bị. Các chuẩn công nghệ kể trên có thể sẽ giúp giảm thiểu dung lượng pin cho các thiết bị di động trong tương lai, nhường chỗ cho các thiết bị mạnh mẽ hơn mà vẫn có thời gian sử dụng lâu hơn.
Bình luận (0)