Thời gian gần đây, chúng ta nghe nói và đọc nhiều về hai cụm từ: cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN4) và nền Công nghiệp 4.0 (CN4.0). Thậm chí, chúng đã trở nên giống như những cụm từ thời thượng mà người ta luôn nhấn nhá, cố ý nói tới hay lồng ghép vào mọi thứ khi nói hay viết để chứng tỏ là người của thời đại, không hề bị lạc hậu. Nhiều chuyên gia cảnh báo có nhiều người nói tới CN4.0 mà chẳng hiểu hay chỉ lơ mơ về nó, nói cho hợp trào lưu mà không có động thái nào để tổ chức hay ngành nghề mình đang hoạt động có thể ứng phó hoặc khai thác hiệu quả. Đó là một hiện tượng nguy hiểm vì CN4.0 giờ đây không còn là một trào lưu hay xu thế mới mà đang tác động mạnh vào nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Hai mặt của 4.0
CMCN4 vừa bắt đầu với nền tảng là những công nghệ người máy, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nano, điện toán lượng tử, sinh học, internet cho vạn vật (IoT), in 3D, xe tự lái… Các công nghệ 4.0 này có tiềm năng kết nối hàng tỉ người với thế giới web, cải thiện đáng kể hiệu suất kinh doanh và của các tổ chức, giúp tái tạo môi trường thiên nhiên thông qua việc quản lý tài nguyên tốt hơn.
Trong cuốn sách "Cuộc CMCN4" xuất bản năm 2016, tác giả - giáo sư Klaus Schwab (Đức), Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đề cập đến cuộc cách mạng này có khả năng nâng cao mức thu nhập toàn cầu và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Chẳng hạn, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhiều nhất, có thể tiếp cận nhiều hơn vào thế giới số. Các ngành công nghệ có thể làm ra các sản phẩm và dịch vụ mới giúp gia tăng hiệu năng và làm cho cuộc sống cá nhân con người thoải mái hơn. Bây giờ gọi một chuyến taxi, đặt vé máy bay, mua sản phẩm, thanh toán, nghe nhạc, xem phim hay chơi game… thì người ta đều có thể thực hiện từ xa.
Người máy thời Công nghiệp 4.0 không chỉ tự động mà còn có cả trí thông minh nhân tạoẢnh: Internet
Tất nhiên, cuộc CMCN4 cũng có mặt trái của nó. Hai nhà kinh tế học Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee nói rằng cuộc CMCN lần này có thể tạo ra những bất công lớn hơn, cụ thể là trong thị trường lao động. Khi việc ứng dụng người máy và trí tuệ nhân tạo được mở rộng, nhu cầu sử dụng nhân công giảm đi. Thế giới sẽ chứng kiến lần nữa tình cảnh máy móc giành mất việc làm của con người như thời tự động hóa và dây chuyền sản xuất. Và lần này lao động "cổ cồn", nhân viên văn phòng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Liệu có cần phải giữ nhiều nhân viên tiếp tân, trực tổng đài… khi những cỗ máy học với AI có thể xử lý tốt những công việc của con người? Trên nền CN4.0 một công cụ phần mềm ứng dụng AI có thể thay thế nhân viên tiếp tân của khách sạn thực hiện hầu hết giao tiếp với khách hàng. Nó thông minh tới mức khi biết du khách từ đâu đến thì lập tức chuyển sang giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của du khách đó. Nhiều thông dịch viên có nguy cơ thất nghiệp khi ứng dụng hội thoại video Skype kết hợp với cỗ máy dịch thuật thông minh cho phép người dùng nói bằng tiếng của mình và người nghe cũng nghe được bằng tiếng mẹ đẻ của mình nhờ nội dung đã được dịch theo thời gian thực như có thông dịch viên "dịch đuổi".
Chủ động nắm bắt và khai thác
Trong ngày hội điện toán Đám mây Cloud8 tháng 5-2017 tại TP HCM, ông Giáp Hùng Cường - Tổng Giám đốc VinaCIS, một công ty chuyên về dịch vụ đám mây - cho biết do những đặc thù lịch sử, Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cuộc CMCN trước đây. Vì thế, với cuộc CMCN4, chúng ta phải chủ động nắm bắt cơ hội do nó mang tới. Đây là chuyện của cả nhà nước lẫn cộng đồng. Bản thân các ngành công nghiệp, đặc biệt là có liên quan, chuyển sang hoạt động trên nền tảng CN4.0. Cả xã hội cùng ứng dựng CN4.0 vào các lĩnh vực công việc và cuộc sống để tạo thành cuộc CMCN4.
Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi đơn vị sẽ tùy theo đặc thù và năng lực của mình chuẩn bị để sẵn sàng đồng hành với CMCN4. Riêng các ngành công nghiệp có liên quan trực tiếp phải đi đầu với làn sóng CN4.0 từ bên ngoài bủa vào. Có thể nói rằng không thể hội nhập sâu hơn và phát triển tốt hơn nếu chúng ta đứng bên ngoài hay bị động trước CMCN4. Bởi chúng ta vừa chẳng chơi được với ai mà còn bị lãnh hết mọi dư chấn mà cuộc cách mạng này để lại. Có một số người mau mắn nói rằng Việt Nam vốn có truyền thống đi tắt đón đầu thiên hạ. Thực tế thì có những thứ phải tiến dần theo bài bản, không thể nhảy phóc một cách vượt qua đầu thiên hạ. Một nhà chuyên môn cảnh báo rằng: "Người Việt khoái đi tắt, đón đầu; nhưng sau đó đứng lại cho người ta bước qua".
CMCN4 không dựa trên cơ bắp và cơ khí, mà chủ yếu trên trí tuệ của con người. Lâu nay, chúng ta vẫn cứ "tự sướng" với nhau là người Việt có tư chất thông minh. Phải chăng đó là một thuận lợi để chúng ta hội nhập vào cuộc CMCN lần thứ tư này? Vấn đề mấu chốt vẫn là cách và thái độ của chúng ta nhìn nhận cuộc CMCN4. Nó đã trở thành chuyện của mọi người mà người ta không thể tránh né hay tìm cách giảm nhẹ tác động, hoặc đối đầu với nó nếu muốn mình phát triển cùng thời đại. Thượng sách vẫn là chúng ta tìm cách để chung sống hòa bình với CMCN4 và khai thác các lợi thế của nó.
Nhầm lẫn CN4.0 và CMCN4
Đang có những nhầm lẫn giữa hai cụm từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4 và nền Công nghiệp 4.0. Về bản chất, hai cụm từ này tương tự, nói về việc ứng dụng tự động hóa với những tiến bộ công nghệ "đỉnh" hiện nay. Trong CN4.0 có những điểm nhấn như: xe hơi tự lái, in 3D, nano… Tuy nhiên, quy mô và ý nghĩa của hai thuật ngữ này khác nhau.
Công nghiệp 4.0 là nói về lĩnh vực sản xuất, chế tạo trong một ngành công nghiệp đang phát triển mới và có những chuẩn mực, cung cách vận hành mới. CMCN4 lại mang tầm vĩ mô, nói về sự chuyển đổi mang tính hệ thống và bao gồm ảnh hưởng của CN4.0 đối với xã hội dân sự, các cơ cấu chính quyền, sự nhận diện con người và cả hệ thống kinh tế. Nói cách khác, CMCN4 là sự ứng dụng CN4.0 vào cuộc sống.
Bình luận (0)