Giao diện sử dụng rườm rà, vận hành chậm chạp, tính năng không thực tế… khiến cho người dùng không mấy mặn mà với e-banking (EB) dù thực sự loại hình này mang lại rất nhiều tiện ích.
Chật vật sử dụng
Sử dụng EB của 6 NH trong nước, anh Ng.Đ.Trung (ngụ quận 8, TP HCM) bức xúc: “Hầu như EB trong nước không cho phép xem số dư theo từng giao dịch. Chức năng xem “trạng thái lệnh” (chuyển khoản) của một số NH buộc người dùng phải chọn 1 ngày cụ thể để xem nhưng thường họ không nhớ chính xác ngày giao dịch. Sao không thiết lập cho người dùng xem 10, 20, 30 lệnh chuyển khoản cuối cùng?”.
Rất nhiều người dùng tại TP HCM cho biết giao diện EB của hầu hết NH trong nước không thân thiện, chức năng tìm kiếm phức tạp buộc người dùng phải qua nhiều bước thao tác. Không như các NH nước ngoài, EB của NH trong nước đa phần không có các hướng dẫn tại chỗ bằng các biểu tượng mà người dùng phải vào chức năng “hướng dẫn sử dụng” để tìm hiểu. Một vài EB có những giao dịch không xuất hiện ngay trong sao kê hôm nay mà phải ngày hôm sau mới hiển thị...
Theo ông Phạm K.N (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), một chuyên gia bảo mật công nghệ thông tin, một số chức năng EB thiết thực của một số NH không thể thực hiện được vì lý do bảo mật vô lý. Chẳng hạn, người dùng không thể tự cài đặt hình thức thanh toán cho thẻ tín dụng (thanh toán tối thiểu hoặc thanh toán hết hoặc tự thanh toán). Để làm việc này, người dùng phải đến phòng giao dịch khai báo. “Nhiều EB đòi hỏi đăng nhập phải có 3 thông tin (tên người dùng, mật khẩu, mã định danh) rất mất công. Đây là cách làm bảo mật kiểu tự phát. Mã định danh thực chất chỉ là thêm mật khẩu, không có gì bảo đảm tính bảo mật tăng cao mà chỉ gây khó người dùng. Giả sử người dùng bị mất máy tính hoặc mật khẩu, có thể mất toàn bộ thông tin chứ không chỉ mất mật khẩu. Để thực hiện giao dịch, người dùng phải có OTP (mật khẩu dùng một lần) được NH gửi đến máy di động là có thể bảo đảm” - ông N. cho biết.
Cần cải tiến nhiều hơn nữa
Với tỉ lệ gần 40% người dân sử dụng internet thường xuyên, trên 130 triệu thuê bao di động và 15,5 triệu thuê bao cố định, Việt Nam được xem là thị trường có tiềm năng lớn cho việc phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính công nghệ cao, trong đó có EB. Tuy nhiên, EB trong nước vẫn chưa thực sự thu hút người dùng.
Theo ông Vũ Việt Khánh, phụ trách Khối Công nghệ thông tin - Ngân hàng LienVietPostBank, rào cản để triển khai EB hiệu quả xuất phát từ nguồn lực còn hạn chế, thiếu hụt đội ngũ nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin vừa am hiểu nghiệp vụ NH. Việc triển khai bảo mật cao cấp cho EB gặp nhiều trở ngại về kỹ thuật. Một số chuẩn bảo mật như xác thực OTP qua tin nhắn SMS thì có NH triển khai, có NH lại không ứng dụng, chưa thành bắt buộc chung. Một hạn chế khác của EB khi sử dụng trên máy tính là người dùng sử dụng gần như tùy thuộc vào NH cung cấp. Trong đó, một số NH triển khai các trang web EB lại giới thiệu các tính năng quảng cáo quá nhiều, không cần thiết ở trang chủ khiến người dùng bối rối. Với ứng dụng EB trên di động, hiện chỉ là một phần mềm cơ bản, khi EB có tính năng mới thì người dùng phải cài lại phần mềm để cập nhật tính năng rất bất tiện.
Thị trường tiềm năng Theo báo cáo của Hiệp hội NH Việt Nam, tính đến ngày 31-12-2012, có trên 30 NH tham gia triển khai Internet Banking, tăng gấp 10 lần so với cuối năm 2004, thời điểm bắt đầu xuất hiện dịch vụ này. Mobile Banking xuất hiện từ năm 2003 nhưng hầu hết các NH chỉ sử dụng kênh SMS để cung cấp dịch vụ này với chức năng truy vấn thông tin của NH và thông tin của tài khoản. Ví điện tử hiện có hơn 20 NH tham gia triển khai với sự chấp nhận của trên 200 đơn vị kinh doanh thương mại điện tử, với giá trị giao dịch khoảng vài trăm tỉ đồng/năm. |
Bình luận (0)