Theo lời Giám đốc FBI James Comey phát biểu tại Hội nghị Mã hóa và Giám sát ở ĐH Kenyon, bang Ohio – Mỹ chiều 6-4 (giờ địa phương), công cụ mở khóa của cơ quan này không hoạt động trên các thiết bị từ iPhone 5s trở về sau, bao gồm cả iPhone 6 và iPhone 6s.
Giám đốc FBI James Comey. Ảnh: Reuters
iPhone 5c mà nghi can Syed Farook sử dụng được Apple ra mắt năm 2013 và hiện chúng đã ngưng sản xuất. Ông Comey cũng xác nhận thiết bị này chạy trên phiên bản iOS 9 và công cụ mở khóa được mua từ một công ty tư nhân ngoài nước Mỹ.
Đối với trường hợp chiếc iPhone 5s liên quan trong một cuộc điều tra ma túy gần đây, Bộ Tư pháp Mỹ có thể sẽ phải yêu cầu tòa án ở New York gây áp lực buộc Apple giúp họ truy cập dữ liệu bên trong nếu FBI “bó tay”.
Tháng 3 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố đã tìm được bên thứ ba giúp họ mở khóa chiếc iPhone 5c của nghi can Farook, qua đó cũng tạm ngưng vụ kiện liên quan với Apple.
Căng thẳng giữa 2 bên được đẩy lên cao trào sau khi FBI yêu cầu hãng công nghệ “Táo khuyết” viết phần mềm mở rộng giúp họ vượt qua "tường lửa" mật khẩu do Farook thiết lập trên chiếc điện thoại của mình. Tuy nhiên, Apple đã từ chối và vụ việc được đưa ra tòa án phân định.
“Quả táo” nhấn mạnh các quan chức thực thi pháp luật không lường trước được hậu quả nếu tạo ra một “cổng sau” để truy cập vào iPhone. Trước mắt, nó sẽ làm ảnh hưởng đến vấn đề bảo mật của tất cả người dùng iPhone trên toàn thế giới.
Trong khi đó, ông Comey cho biết chính phủ Mỹ đang cân nhắc giải quyết vụ mở khóa chiếc iPhone 5c của Farook với Apple. “Chúng tôi sẽ nói với Apple và họ sẽ vá lỗi. Cuối cùng, mọi chuyện sẽ quay lại thời điểm như chưa xảy ra lùm xùm”.
Bình luận (0)