Bằng cách cùng theo dõi thông tin, những công ty này hợp tác ngăn chặn nội dung kích động và tuyên truyền bạo lực, cực đoan một cách đáng kể. Ví dụ: Một video đã bị ngăn chặn ở Twitter thì sẽ không xuất hiện ở Facebook. Hãng tin Bloomberg dẫn thông báo chung của các đại công ty này: “Không có chỗ cho các nội dung khuyến khích chủ nghĩa khủng bố trên dịch vụ dành cho khách hàng của chúng tôi”. Thông báo không đề cập đến dạng công nghệ được sử dụng để đối phó với các tài khoản đó nhưng nhiều người từng biết cơ sở dữ liệu này căn cứ trên mã băm (hash) để hình thành dấu ấn riêng nhằm xác định nội dung bạo lực. Cơ sở dữ liệu nêu trên có thể được sử dụng và vận hành vào đầu năm tới và những công ty khác có thể tham gia.
Thời gian qua, mạng xã hội bị sức ép ngày càng tăng từ chính quyền nhiều nước trên thế giới đòi hỏi phải tìm cách ngăn chặn nội dung kích động bạo lực và thù hằn đăng trên đó. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những tổ chức khủng bố khác cũng như các tổ chức cực hữu đã sử dụng trang web mạng xã hội như công cụ để tuyển mộ và tuyên truyền. Hồi đầu tháng 12, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thời gian đã hết cho các công ty Mỹ - hoặc đối phó với nội dung khủng bố trên mạng hoặc phải đối mặt với những quy định khắt khe hơn từ chính quyền châu Âu. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức Heiko Maas đe dọa cáo buộc hình sự đối với Facebook vì không ngăn chặn nội dung của các tổ chức có liên hệ với chủ nghĩa phát xít mới. Ít nhất một nạn nhân trong hàng loạt vụ nổ súng và tấn công liều chết ở Paris (Pháp) hồi tháng 11-2015 nộp đơn kiện Facebook, Twitter và Google vì gián tiếp tạo điều kiện cho hoạt động khủng bố.
Trên thực tế, YouTube và Facebook đã sử dụng hash nhằm tự động loại trừ nội dung cực đoan. Twitter thông báo đã chặn khoảng 235.000 tài khoản khả nghi từ tháng 3 đến tháng 8 năm nay. Tuy nhiên, biện pháp này vẫn bị xem là chưa đủ sức bảo vệ.
Bình luận (0)