Sự phát triển của công nghệ SMAC (mạng xã hội - di động - phân tích dữ liệu lớn - điện toán đám mây) là nền tảng hình thành hạ tầng giáo dục số, cho phép phát triển những mô hình giáo dục thông minh. Không nằm ngoài xu hướng ứng dụng rộng rãi tiện ích này ở nhiều nước, Việt Nam hiện đã có nhiều website cung cấp tính năng thi thử trực tuyến, đáp ứng nhu cầu học, kiểm tra, hoàn thiện kiến thức để thí sinh (TS) tự tin bước vào kỳ thi chính thức.
Thử sức ở nhiều “lò”
Từ đầu năm 2004, Công ty VNG đã xây dựng cổng giáo dục trực tuyến Zuni.vn có tính năng thi thử với kho hơn 2.000 đề thi thử miễn phí tổng hợp từ các trường chuyên. Mới đây, Zuni đã hợp tác với Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội thiết kế chương trình thi với kho đề được biên soạn - phản biện theo quy trình ra đề chuẩn quốc gia và cung cấp các dịch vụ trợ giảng, chấm điểm ngay sau thi, hướng dẫn giải đề qua video...
Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Giám đốc dự án Zuni.vn, cho biết: “So với cách luyện thi giải đề tại nhà, phương thức này giúp TS làm quen với áp lực về thời gian làm bài, tiết kiệm chi phí tổ chức thi thử (không gian, chấm bài, giải đề…). Đặc biệt, TS có thể xem lại video giải đề nhiều lần, gửi câu hỏi trực tiếp đến người trợ giảng hoặc giáo viên giải thích, thảo luận với các TS chung phòng thi thử... để nắm vững vấn đề”.
Tháng 12-2014, ĐHQG Hà Nội đã hợp tác với Viettel triển khai chương trình thi thử đại học miễn phí. TS truy cập website vnu.edu.vn hay ViettelStudy.vn để thử sức mình với các đề thi tổng hợp đánh giá năng lực đại học do ĐHQG Hà Nội thực hiện. Trang web này cũng cung cấp 4.000 bài giảng kiến thức từ lớp lá tới lớp 12, hơn 1.000 đề thi các cấp, các khóa học kỹ năng sống và tiếng Anh... Chương trình này giúp TS làm quen với các dạng của đề thi đại học, qua đó đánh giá năng lực cá nhân để có kế hoạch ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi đại học năm 2015.
Cách đây 4 năm, Trường ĐH FPT đã sớm đưa ra hệ thống thi trắc nghiệm online (tuyensinh.fpt.edu.vn) nhằm giúp TS làm quen với cách thức thi mới mẻ theo đặc thù riêng của một trường đào tạo công nghệ.
“Chúng tôi mở website thi thử để TS sớm làm quen với dạng đề áp dụng cho nhóm ngành công nghệ thông tin, với mỗi câu hỏi chỉ có một phương án trả lời. Hệ thống sẽ tự động tính toán thời gian còn lại cho mỗi lần thi. Kết quả thi sẽ hiển thị ngay sau khi bài thi được hoàn tất. Đối với các ngành khác (quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng…), TS sẽ trả lời các câu hỏi về kỹ năng tính toán, phân tích, xử lý thông tin để giải quyết vấn đề và tư duy logic. TS cần hoàn tất trong thời gian cho phép để đạt điểm cao nhất” - một đại diện Trường ĐH FPT cho biết.
Bổ sung kỹ năng còn thiếu
Ngô Anh Khoa, học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP HCM), cho biết: “Em thường truy cập các trang web thi thử để làm quen với nhiều dạng đề. Em thấy việc tham gia thi thử online rất tiện lợi vì không phải đến các trung tâm luyện thi đăng ký mà có thể thi ngay tại nhà. Kết quả thi được thông báo ngay nên em biết khả năng làm bài của mình đến đâu, thiếu những kiến thức gì hay mắc sai sót chỗ nào”.
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Vũ Lương, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội, nhận xét: “Thi thử trực tuyến không chỉ giúp TS xác định được khả năng điểm số của mình mà còn giúp các em làm quen nhiều lần trước sự thay đổi nhiều dạng đề của mỗi khối ngành, giúp ổn định tâm lý và chuẩn bị kiến thức kỹ lưỡng. Đặc biệt, sau khi thi, TS có thể theo dõi các bài giảng điện tử phân tích, hướng dẫn giải cho từng đề thi”.
Theo tiến sĩ Phạm Minh Tuấn, CEO Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA, việc học và thi trực tuyến kết nối người học với các giảng viên giỏi, dù họ ở xa và bất cứ thời gian nào. Việc này tiết kiệm thời gian cho giảng viên tập trung vào chuyên môn chính là giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tế. Các bài giảng, chấm bài, theo dõi chuyên cần... đều được ghi lại và trợ giúp bằng phần mềm.
“Học và thi trực tuyến giúp người học chủ động thời gian, chọn cách học phù hợp. Công nghệ và phần mềm có thể hiểu rõ từng học viên, biết điểm mạnh, yếu, lỗ hổng kiến thức, thời gian học tập trung, dễ hiểu bài qua hình minh họa hay video bài giảng... Dựa trên thống kê của hàng triệu học viên khác, phần mềm sẽ đưa ra phương pháp, lộ trình học và thi phù hợp nhất với từng người” - ông Tuấn cho biết.
Chọn nơi “thi” uy tín
Theo các giáo viên và chuyên gia giáo dục, TS nên chọn các trang web thi thử có uy tín. Điều này sẽ giúp TS luyện thi đúng hướng và đạt hiệu quả trước khi bước vào cuộc thi thật. Các trang web thi thử chất lượng phải có đề thi mới nhất, đúng theo quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các đề thi phải bảo đảm không sai sót về kiến thức, nội dung cập nhật theo sách giáo khoa (SGK) mới nhất, đáp án đúng với nội dung SGK. Phương thức thi và chấm thi phải tương đối “giống” môi trường thi thật.
Sau khi làm bài thi thử online, TS nên cẩn thận kiểm tra, đối chiếu với đáp án SGK, trao đổi với bạn bè, thầy cô để có thể so sánh với đề thi thử truyền thống.
Bình luận (0)