Vụ Apple thông qua đại diện pháp lý gửi “thư thông báo và khuyến cáo” tới các cửa hàng kinh doanh và dịch vụ di động yêu cầu phải chấm dứt ngay việc “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT)” của Apple không phải là nhất thời hay “sáng nắng chiều mưa” mà được làm bài bản, kỹ lưỡng. Động thái này nằm trong một chuỗi hành động của hãng này trong thời gian qua và càng gay gắt, quyết liệt hơn trong những tháng gần đây.
Quyết liệt bảo vệ hàng chính hãng
Với hành động quyết liệt của Apple, có lẽ thị trường hàng xách tay Apple tại Việt Nam, có thể gọi là kênh phân phối lớn và chủ yếu của sản phẩm Apple, sẽ bị ảnh hưởng nặng. Tất nhiên, đó là hàng ngoài luồng, xách tay từ nước ngoài hoặc do những cửa hàng có nguồn hàng từ nước ngoài chuyển về. Apple sẽ “trảm” tất tần tật. Chính sách của Apple cấm các đại lý ủy quyền sở tại bảo hành các thể loại cho hàng Apple xách tay mà không có hóa đơn mua hàng chính hãng phiên bản quốc tế. Cho dù chiếc iPhone được mua để dùng hợp pháp ở Mỹ nhưng được chuyển về dùng ở nước khác cũng bị coi là bất hợp pháp.
Không như các thương hiệu khác, Apple quản lý chặt chẽ quy về một mối các sản phẩm của mình. Nếu muốn khôi phục lại thiết đặt ban đầu (reset) hay nâng cấp lên đời phiên bản phần mềm mới, máy cần phải kết nối với chính hãng. Và chiếc iPhone sẽ trở thành “cục gạch” nếu Apple phát hiện vi phạm và ra tay khóa nó lại.
Do đặc thù của sản phẩm Apple, mà phổ dụng là chiếc iPhone, lâu nay, người ta nghĩ ra đủ chiêu trò để có thể sở hữu một thiết bị Apple mà không phải qua các kênh chính hãng, vốn giá đắt hơn hẳn trong cùng phân khúc thị trường. Dĩ nhiên cũng có những cái gọi là hoàn cảnh, tình thế. Hơn 2,5 triệu người Mỹ gốc Việt đang sinh sống ở Mỹ và hầu hết sử dụng iPhone. Chuyện họ gửi iPhone về tặng bạn bè, người thân là “bình thường”. Nhưng vấn đề là cách thức họ đang sử dụng (khai báo bị mất để được nhận cái khác hay phổ biến là hàng “cũ người mới ta” sau khi đã hết hạn hợp đồng được đổi phiên bản mới). Nhiều kỹ thuật viên tại các cửa hàng dịch vụ di động là “chuyên gia” có thể hô biến chiếc iPhone trong hợp đồng nhà mạng di động Mỹ thành bản quốc tế chạy phà phà ở Việt Nam. Apple chưa bao giờ thích việc này. Sản phẩm sau khi kết thúc hợp đồng phải cho vào thùng rác để hãng có thể bán phiên bản mới. Bên cạnh đó, lượng hàng ngoài luồng đó lạc trôi về Việt Nam sẽ làm rối loạn thị trường, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các đối tác ủy quyền sở tại cũng như quyền lợi của những khách hàng mua hàng chính hãng.
Có thể nói, qua những hoạt động bảo vệ bản quyền SHTT này, Apple đang muốn làm trong sạch thị trường sản phẩm Apple ở Việt Nam theo hướng chỉ có một nguồn là chính hãng. Tất nhiên, điều này có lợi cho các đại lý ủy quyền của Apple ở Việt Nam và người dùng sẽ không bị rối trí trước hàng chính hãng và hàng trôi nổi. Chỉ e rằng với cung cách làm ăn “trời ơi” của nhiều doanh nghiệp Việt, khi có hơi hướng độc quyền, họ có thể làm khó khách hàng như tăng giá sản phẩm và dịch vụ.
Tuân thủ quy định kinh doanh
Nếu như Apple đã được nhà nước Việt Nam bảo hộ các thương hiệu và các yếu tố liên quan tới SHTT, họ có quyền cấm và kiện những ai xâm phạm. Mục 13, điều 8, chương 1 của Luật Quảng cáo (2012) cấm quảng cáo vi phạm pháp luật về SHTT. Với những gì có liên quan tới Apple được bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam, việc Apple “sờ gáy” các cửa hàng vi phạm sẽ không bị giới hạn tại những thành phố lớn. Riêng ở Việt Nam, cho tới nay, Apple chỉ bán hàng thông qua các đại lý ủy quyền và mọi quan hệ chỉ dừng lại giữa hãng và nhà phân phối. Còn các thương hiệu công nghệ khác, về nguyên tắc, nếu được bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam, họ cũng có quyền làm như Apple. Nhưng do các nguyên nhân riêng, họ sẽ không chọn cách tốn tiền vào những chuyện như vậy. Bởi vì thị trường kinh doanh sản phẩm của họ khác thị trường đặc thù của Apple, họ có thể không muốn chọn cách làm như Apple. Thật tình, lẽ ra họ còn phải trả tiền cho các cửa hàng giúp quảng bá logo, phát triển thương hiệu của họ.
Việc Apple khiếu nại cửa hàng dùng logo và tên thương hiệu của họ trên bảng hiệu kinh doanh có thể đánh động nhà chức trách xử lý chuyện “quảng cáo trá hình” trên biển hiệu mà lâu nay có lúc làm gắt rồi lại “đâu vào đấy”. Và chuyện đó mới làm thị trường công nghệ sôi nổi lên. Điều 66 trong Nghị định 158/2013 của Chính phủ quy định phạt 10-15 triệu đồng cho hành vi quảng cáo hàng hóa lẫn với biển hiệu.
Khi họ lẳng lặng hay làm ngơ, nhà kinh doanh có thể làm gì tùy ý. Nhưng khi họ lên tiếng, người kinh doanh hợp pháp bắt buộc phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Và đó chính là chuyện làm ăn.
Luật sư TRẦN HỒNG PHONG, Công ty Luật Ecolaw:
Chất xám cần được tôn trọng và bảo hộ
Hành động của Apple là cần thiết và hợp lý, góp phần bảo vệ quyền SHTT, uy tín của nhãn hiệu, sản phẩm Apple; quyền lợi trong kinh doanh và cả góp phần bảo vệ quyền lợi cho khách hàng tại Việt Nam (bảo đảm mua hàng chính hãng, bảo hành chuẩn). Thực ra trước Apple, những tên tuổi lớn như Adidas, Microsoft cũng đã từng triển khai các hành động như vậy.
Tại Việt Nam, hiện nay mức độ chế tài trong xử lý vi phạm trong lĩnh vực SHTT rất nhẹ, thường chỉ là xử lý hành chính hoặc thậm chí chẳng ai quan tâm! Chính vì vậy, chuyện các cửa hàng lấy nhãn hiệu, logo của những nhà sản xuất tên tuổi hàng đầu thế giới như Apple để quảng cáo, giới thiệu, thậm chí “treo đầu dê bán thịt chó” mà không xin phép hay được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu là rất phổ biến, tràn lan khắp nơi, như một… thói quen!
Trong khi đó, ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển như Mỹ, châu Âu, hành vi xâm hại quyền SHTT thường bị phạt rất nặng, mức bồi thường cũng rất cao. Chúng ta cần phải điều chỉnh hệ thống pháp luật, bao gồm cả luật hình sự, cho phù hợp với chuẩn mực chung trên thế giới. Cũng cần phải nâng cao nhận thức của mọi người, cần hiểu rõ nếu quyền SHTT không được bảo vệ và bảo hộ hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của nền kinh tế đất nước, thậm chí làm thui chột động lực sáng tạo, đầu tư phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu khoa học… Chất xám cần được tôn trọng.
Bình luận (0)