Năm 2016 được cho là dấu mốc tăng tốc đối với các dự án khởi nghiệp (start-up) tại Việt Nam khi được Chính phủ trực tiếp bảo trợ bằng những chính sách ưu đãi lẫn nguồn vốn đầu tư. Làng khởi nghiệp Việt cũng đón nhận một số thành công ban đầu khá ấn tượng như: MoMo, DesignBold, Gotit, Foody… Tuy nhiên, rất nhiều dự án tưởng chừng đã sắp thành công nhưng rồi phải dừng cuộc chơi vì nhiều lý do.
Nhiều sai lầm
Nhiều người trong giới công nghệ đều tiếc cho một dự án khởi nghiệp của những tài năng trẻ Việt Nam là Wala - một ứng dụng OTT (cung cấp nội dung trên nền internet di động) ra đời năm 2012 - do 3 du học sinh thế hệ 8X (TS Nguyễn Quốc Minh, TS Di Nguyễn Thanh Hòa và ThS Phạm Đình Quốc Hưng) khởi lập. Vào thời điểm đó, nội dung di động (mobile content) còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng những nhà sáng lập đã “thấy được xu hướng tương lai” và chủ động “đi trước đón đầu bằng công nghệ”.
Theo TS Nguyễn Quốc Minh, Việt Nam đã vuột mất nhiều con sóng lớn trên internet như “Dot Com”, “Web 1.0”, “Web 2.0”… nên bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh. TS Minh đã thuyết phục TS Di Nguyễn Thanh Hòa (từng có sản phẩm được Google mua để phát triển thành Google Base và nền tảng phát triển Bing Shopping của Microsoft) và ThS Phạm Đình Quốc Hưng (chuyên gia mảng xử lý dữ liệu thông minh và hệ thống phân tán) về nước để cùng nghiên cứu phát triển công nghệ lõi đón đầu làn sóng mobile. Thời điểm đó, người dùng Việt vẫn còn quen thuộc với Yahoo! Messenger, Zalo, Facebook Messenger đang chập chững thì nhóm phát triển đã nghiên cứu được công nghệ truyền dữ liệu trôi chảy có dung lượng rất lớn với chi phí rẻ. Tuy nhiên, khi các ứng dụng OTT như: Viber, Tango, Kakao Talk, Line, Whatsapp, Facebook Messenger ập vào Việt Nam một năm sau đó và cuộc đua không cân sức về tài chính đã khiến Wala đuối dần.
Một trường hợp khởi nghiệp thất bại của cựu trưởng Phòng Truyền thông FPT online Trần Viết Quân cũng là do sai lầm chủ quan của nhà sáng lập. Năm 2009, tận dụng thế mạnh về cộng nghệ thông tin, Quân nghỉ ở FPT ra ngoài xây dựng mô hình kinh doanh hoa trực tuyến, lấy nguồn hoa từ Đà Lạt về cung cấp qua mạng cho người dùng. Trong hơn 1 năm đầu, việc kinh doanh suôn sẻ nhưng đến giữa năm 2011 thì sa sút, buộc công ty phải đóng cửa. Quân đã thẳng thắn nhìn nhận: “Rất nhiều sai lầm mà tôi nhận thấy sau quá trình khởi nghiệp lần đầu như: quản lý hàng tồn kho yếu kém, chính sách khuyến mãi không hợp lý hay lựa chọn đối tác phân phối không tốt…”.
Lắm tiền vẫn chết yểu
Rất nhiều người cho rằng tiền là yếu tố quyết định khi khởi nghiệp nhưng thực tế vẫn có nhiều dự án “chết yểu” dù nguồn lực tài chính rất dồi dào. Đó là trường hợp của 2 website thương mại điện tử (TMĐT) khá đình đám ở Việt Nam năm 2015 là beyeu.com và deca.vn.
Beyeu.com là “con” của quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures và Project Lana - sở hữu Webtretho.com. Dù có tiềm lực tài chính phía sau khá mạnh từ IDG Ventures và Webtretho.com cũng được đánh giá là dự án thành công nhưng Project Lana vẫn không nuôi nổi Beyeu.com khi nguồn tài chính cho dự án này dần cạn kiệt. Cuối năm 2015, website Beyeu.com đột ngột đóng cửa cùng với lời “trăng trối” khiến cộng đồng khởi nghiệp bị sốc: “TMĐT cần rất nhiều tiền. Công ty quyết định không đốt tiền nữa”.
Deca.vn, “con” của Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h, từng có lượng truy cập không nhỏ và thậm chí được cộng đồng kỳ vọng sẽ là trang TMĐT Việt có thể cạnh tranh với Lazada.vn (chiếm thị phần TMĐT lớn nhất Việt Nam). Thế nhưng, các ông chủ nguồn vốn quyết định cho dự án này chết yểu dù 24h vẫn khẳng định: “Nguồn tài chính của chúng tôi vẫn dồi dào”.
Cái chết của Deca.vn đã khiến nhiều nhà khởi nghiệp tiềm năng phải thay đổi quan điểm “tiền là vấn đề sống còn đối với start-up”. Khá nhiều dự đoán được đưa ra từ thất bại của Deca.vn: nội bộ lục đục, lãnh đạo không nhìn về một hướng, bế tắc trong chiến lược phát triển lâu dài… Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, dù có hàng triệu lượt truy cập hay tiền nhiều không phải là những yếu tố quyết định thành công của một start-up mà phải có một mô hình kinh doanh phù hợp.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Trưởng đại diện của Quỹ Đầu tư Cyber Agent tại Việt Nam - Thái Lan, nhận định: “Start-up Việt hiện có quá nhiều điểm yếu như: tiếng Anh và khả năng trình bày hạn chế, đa số nhà sáng lập rất khó khăn khi truyền thông điệp tới người dùng, đối tác, nhà đầu tư. Họ cũng thiếu phân tích và đánh giá thị trường, thường hiểu sai lệch bản chất start-up mà mình đang giải quyết. Bên cạnh đó, các start-up được thực thi tương đối cảm tính, thiếu những mối quan hệ với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài...”.
Chỉ số start-up Việt thấp
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm có hơn 1.000 start-up ra đời tại Việt Nam nhưng chỉ khoảng 10% tồn tại. Theo kết quả khảo sát của Báo cáo chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016 (GEM) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, nhận thức về cơ hội khởi nghiệp kinh doanh ở Việt Nam năm 2015 đã tăng mạnh so với năm 2014 và 2013 với 56,8%. Tuy nhiên, nếu so với các nước ASEAN, trong số 12 chỉ số của hệ sinh thái khởi nghiệp, không có chỉ số nào của Việt Nam được đánh giá tốt hơn Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và có tới 8 chỉ số của Việt Nam kém 4 nước này.
C.Trung
Bình luận (0)