Kinh doanh ăn theo các chồng văn bản
Việc số hoá nguồn học liệu sẽ giúp người dùng tiếp cận kho tri thức dễ dàng hơn
Các doanh nghiệp trong nước tiên phong về số hoá dữ liệu như Lạc Việt, FPT, CMC, Tinh Vân… cũng đang thực hiện những dự án lớn từ các nguồn học liệu, tài liệu điều tra, chứng từ, dữ liệu mua bán trực tuyến… Từ năm 2000, Lạc Việt đã xử lý quy trình quản lý thư viện cho trung tâm học liệu Huế và Đà Nẵng, đến nay mở rộng đến các thư viện Đồng Nai, Bình Dương.
FPT mở trung tâm gia công quy trình doanh nghiệp tại Đà Nẵng vài năm nay đón đầu tiềm năng thị trường. Mới đây tập đoàn này ký kết với đại học Quốc gia Hà Nội xây dựng hệ thống thư viện mở (OpenBook Vietnam). Trong ba năm đầu, dự kiến thiết lập được 200.000 nguồn tài liệu và cung cấp miễn phí cho người dùng. Hệ thống này được FPT xác định là chương trình trọng tâm trong mục tiêu dài hạn là số hoá nguồn học liệu, các tài liệu giảng dạy và nghiên cứu từ các trường đại học để đưa vào môi trường internet và các thiết bị di động cung cấp cho người dùng. Theo giáo sư Mai Trọng Nhuận, giám đốc đại học Quốc gia Hà Nội, OpenBook sẽ giúp tạo ra môi trường học liệu để nhiều đối tượng có thể tiếp cận với kho tri thức dễ dàng hơn. Và đây là vấn đề được ngành giáo dục quan tâm.
Theo các doanh nghiệp, số hoá dữ liệu là dòng chảy ít nhận thấy trong nền kinh tế, tuy nhiên nếu so sánh môi trường nội dung internet từ Việt Nam hiện nay mới thấy giá trị: năm 2005, người dùng trong nước chủ yếu truy cập các tiện ích từ các website nước ngoài thì hiện nay thông tin trong nước đã khá phong phú. IDC Vietnam ước tính, doanh thu dịch vụ BPO (chỉ từ khối doanh nghiệp) tại Việt Nam đạt 23,6 triệu đôla Mỹ trong năm 2010 là con số còn khá nhỏ, vì thế độ rộng thị trường còn đang mở cho nhiều nhà cung cấp.
Thị trường lớn từ công đến tư
Tổng cục Thuế tuần vừa rồi cho biết sẽ thuê bên ngoài thực hiện dịch vụ thu thập thông tin quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Theo thống kê của tổng cục Thuế, tổng số file tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2009 gửi đến trung tâm xử lý dữ liệu là gần 400.000, với hơn 11 triệu dòng dữ liệu. Tuy nhiên số lượng tờ khai qua cổng thông tin cũng chỉ chiếm khoảng 20% tổng số tờ khai. Dự kiến năm 2011, sẽ có khoảng 10 triệu hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2010. Nhìn ra toàn cục cho thấy sức ép phát sinh dữ liệu đang ngày một tăng với một khối lượng dữ liệu lớn cần xử lý trong các tổ chức công.
Theo một đại diện của tổng cục Thuế, việc thuê ngoài doanh nghiệp có kinh nghiệm phát triển các hệ thống ứng dụng cho ngành thuế xử lý dữ liệu là cách giảm sức ép về tăng nhân sự và các chi phí đào tạo cũng như trang thiết bị hay chi phí quản lý hành chính. Sớm hơn tổng cục Thuế thì TP.HCM đã bắt đầu nhiều dự án số hoá cho việc triển khai cổng thông tin điện tử, chẳng hạn toàn bộ dữ liệu công dân trong chương trình quản lý hộ tịch hộ khẩu ở sở Tư pháp là do công ty giải pháp phần mềm FPT thực hiện. Thông thường thì các doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho các tổ chức công cũng đảm nhận phần số hoá dữ liệu để đảm bảo đường đi của các hệ thống quản lý.
Nhiều nhà cung cấp có mặt ở Việt Nam trong thị trường này cho thấy nền tảng số hoá dữ liệu đang có sức hấp dẫn lớn. Từ năm 2009, văn phòng Chính phủ đã ký ghi nhớ (MOU) với bộ Hành chính và an ninh công cộng Hàn Quốc dự án trung tâm Thông tin dữ liệu điện tử chính phủ trên internet. Samsung Data Systems trở thành đơn vị hỗ trợ triển khai dự án này tranh thủ từ nguồn ODA của Hàn Quốc. Laserfiche (Mỹ), tổ chức toàn cầu về giải pháp số hoá dữ liệu và nhận dạng văn bản, với hơn 4.000 khách hàng là các tổ chức chính phủ và hơn 25.000 công ty cũng có mặt tại Việt Nam. Thông qua đối tác trong nước, nhà cung cấp này đã xây dựng giải pháp nhận dạng tiếng Việt theo chuẩn toàn cầu để cung cấp dịch vụ số hoá trong nước. Các hãng công nghệ số hoá tài liệu như Kodak, ABBYY, InfoConnect hay các nhà cung cấp phần mềm quản lý dữ liệu quy mô lớn như IBM, Oracle, Microsoft... cũng đều đã có mặt.
Bình luận (0)