Việc xây dựng trung tâm dữ liệu (TTDL - data center) là điều cần làm để biến kho thông tin thành nguồn tài nguyên hữu ích phục vụ cho hoạt động của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp (DN). Vấn đề là ai thật sự có nhu cầu, xây dựng thế nào cho hiệu quả…
Thị trường còn lớn
Trung tâm dữ liệu của Facebook đặt ở Thụy Điển Nguồn: INTERNET
Ở nước ta, những nhóm khách hàng sử dụng TTDL lớn là các cơ quan nhà nước, DN và trường học. Cả 3 nhóm này đều là những người sử dụng nên xây dựng các TTDL là việc của các nhà cung cấp dịch vụ về dữ liệu như VNPT, Viettel, FPT, VNG, VC Corp… Đây là những nhà cung cấp đủ khả năng chuyên môn để thiết kế, cập nhật công nghệ, nâng cấp hệ thống và bảo vệ an toàn cho hệ thống. Trước đây, việc sở hữu một hệ thống riêng (cả phần cứng lẫn phần mềm) được xem là ưu tiên hàng đầu. Gần đây, quan niệm đã thay đổi và thế giới theo một hướng mới: Thuê dịch vụ. Người sử dụng chỉ cần nêu rõ yêu cầu và được nhà cung cấp đáp ứng bằng cách cung cấp các dịch vụ. Hình thức cung cấp dịch vụ đang phát triển hiện nay là ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (cloud). Như thế, người sử dụng không phải trang bị cả phần cứng lẫn phần mềm (vốn đắt đỏ, nhu cầu luôn tăng) mà chỉ thuê như một loại dịch vụ, vừa rẻ vừa tiện lợi.
TTDL là thành phần trung tâm của cả hệ thống công nghệ thông tin (CNTT). Chắc chắn muốn khai thác hiệu quả (truy cập nhanh, an toàn, chi phí thấp…) thì phải được kết nối với một hạ tầng CNTT chuyên nghiệp, đủ sức phục vụ cùng lúc hàng chục ngàn truy cập trở lên. TTDL không chỉ chứa dữ liệu mà còn có các phần mềm ứng dụng, các công cụ kiểm soát, bảo vệ dữ liệu và an ninh hệ thống.
Trên thế giới, TTDL phục vụ mọi nhu cầu của xã hội như: dịch vụ tài chính, ngân hàng, giao thông, logistics (kho vận), học tập, phát triển hạ tầng, giải trí… Ở Việt Nam, các hệ thống ứng dụng CNTT chỉ mới phát triển gần đây, nổi nhất là các ứng dụng CNTT trong bộ máy nhà nước (chương trình xây dựng chính phủ điện tử) và đang trong giai đoạn khởi đầu nên TTDL hành chính thật sự chưa phát huy tác dụng. Các TTDL tương đối lớn ở Việt Nam là của các DN cung cấp dịch vụ thông tin và giải trí. Quan sát động thái của các nhà cung cấp dịch vụ data center quốc tế có mặt ở Việt Nam (như KDDI, TIS), chúng tôi thấy họ chỉ hướng vào phục vụ các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam hoặc đón đầu nhu cầu về dịch vụ dữ liệu của khu vực. Điều đó có nghĩa là phân khúc thị trường TTDL của DN trong nước còn rất tiềm năng.
Xây dựng phải đồng bộ
Việc xây dựng TTDL cũng không thể thiếu các yếu tố khác như chất lượng hạ tầng, chính sách về dịch vụ dữ liệu, nguồn nhân lực… Trên thực tế, đã có địa phương và DN xây dựng TTDL trong bối cảnh thiếu hầu hết các yếu tố này nên kết quả cho ra một TTDL rỗng.
Ở Việt Nam, TP Đà Nẵng là một trong số ít nơi có hệ thống CNTT hoàn chỉnh và toàn diện (trong đó có TTDL trị giá 4 triệu USD), phục vụ hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hệ thống này có thể là mô hình kỹ thuật tốt cho các địa phương tham khảo nhưng không phải là hệ thống mẫu để nhân rộng vì nó được xây dựng từ vốn tài trợ của Ngân hàng Thế giới cho TP Đà Nẵng (tổng giá trị dự án là 30 triệu USD).
Xu hướng thuê ngoài Theo ông Huỳnh Trọng Văn, Giám đốc Công ty ODS, đầu tư TTDL tốn kém nên xu hướng là chọn thuê dịch vụ. Chi phí thuê chỗ đặt máy chủ tại Việt Nam hiện đã ngang với khu vực và thế giới. Tuy vậy, hầu hết ngân hàng, công ty tài chính và công ty nhà nước vẫn chọn phương án tự đầu tư xây dựng TTDL do ngại vấn đề an ninh thông tin. Các ngân hàng nước ngoài chọn song song 2 phương án: đầu tư phần lõi (core) và thuê phần dịch vụ. Ông Lương Công Luân, đại diện www.thegioimaychu.vn, cho biết gần đây, DN vừa và nhỏ mua máy chủ để xây dựng TTDL giảm nhiều so với trước, chỉ số ít DN lớn mới đầu tư. Trái lại, đơn hàng của các công ty cung cấp dịch vụ tăng cao chứng tỏ nhu cầu DN đang chuyển sang thuê dịch vụ ngoài.
M.Trí |
Bình luận (0)