Tại sao Google bán Motorola Mobility?
Gần như toàn bộ doanh thu của Google đều tới từ quảng cáo, bao gồm cả quảng cáo trên các thiết bị di động. Do đó chiến lược kinh doanh di động của Google là làm cho Android hiện diện trên càng nhiều dòng smartphone càng tốt.
Tuy nhiên các vụ kiện tụng liên quan đến bằng sáng chế của Apple với Android là một trong những nguyên nhân chính khiến các khách hàng tiềm năng của Google chần chừ, và quyết định không chọn mua các sản phẩm chạy Android. Trong khi đó Motorola lại có cả một thư viện bằng sáng chế khổng lồ, nhờ đó Google có thể dùng chúng để chống lại các cuộc tấn công mạnh mẽ đến từ Apple. Lý do mà Google thôn tính Motorola cũng vì muốn sở hữu các bằng sáng chế chứ không phải toàn bộ dây chuyển sản xuất di động.
Khi Google mua Motorola, một số đối tác Android chính của hãng bắt đầu đề phòng rủi ro và tự phát triển hoặc tự phát triển hệ điều hành của riêng mình. Ví dụ như Samsung với Tizen và LG với WebOS.
Tuy nhiên hiện tại Motorola không mang lại lợi nhuận cho Google.
Sau khi bán Motorola, Google sẽ trở lại là nhà cung cấp hệ điều hành trung lập với các nhà sản xuất điện thoại trên thế giới.
Tại sao Lenovo mua Motorola?
Lenovo (Trung Quốc) là một trong 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới. Tuy nhiên thị phần của Lenovo tại Mỹ, một trong những thị trường smartphone lớn nhất thế giới thì lại gần như bằng không.
Motorola có lịch sử 85 năm tại Mỹ. Nhưng hiện nay khả năng phân phối của Motorola trên các thị trường khác đã trở nên kém hiệu quả hơn nhiều. Vụ thâu tóm này sẽ giúp Lenovo thâm nhập vào thị trường Mỹ và ngược lại, đem các sản phẩm của Motorola tới thị trường toàn cầu.
Mảng kinh doanh lớn nhất của Lenovo vẫn là máy tính cá nhân và hãng hiện là một trong những nhà sản xuất máy tính số 1 thế giới. Tuy nhiên doanh số máy tính cá nhân hiện không còn tăng trưởng nhanh như trước. Nếu Lenovo muốn trở thành một công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghệ từ nay tới 2020 thì hãng phải trở thành một nhà "lãnh đạo" trong công nghệ di động. Thâu tóm một doanh nghiệp smartphone tầm cỡ quốc tế chính là chìa khóa mở ra thành công cho chiến lược này.
Lenovo có kinh nghiệm trong việc tích hợp và điều hành các công ty công nghệ có trụ sở tại Mỹ. Hãng đã mua lại ThinkPad từ IBM và giúp nó thành công, hiện tại Lenovo có một nhà máy sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu ThinkPad tại Whitsett, North Carolina, Mỹ.
Motorola từng có mối quan hệ tốt với các nhà mạng Mỹ, điều này sẽ giúp Lenovo có thể thâm nhập tốt hơn, thuận lợi hơn vào thị trường di động Mỹ.
Lenovo không chỉ muốn trở thành nhà sản xuất smartphone cho người tiêu dùng thông thường mà còn hướng cả tới quy mô doanh nghiệp. Lenovo đã thiết lập mối quan hệ lâu dài với môi trường doanh nghiệp với các sản phẩm ThinkPad và ThinkCenter. Hiện tại, Lenovo hoàn toàn có thể cung cấp smartphone tích hợp đầy đủ công nghệ cho các khách hàng doanh nghiệp toàn cầu.
Bình luận (0)