Dù chủ nhà Nam Phi bị loại sớm từ vòng bảng, nhưng không khí cổ động cho World Cup 2010 vẫn được người dân của đất nước cầu vồng duy trì cho đến tận ngày diễn ra trận chung kết và khi tiếng kèn Vuvuzela đã tắt trên các khán đài. Không có vụ gây rối của hooligan cũng như những vụ khủng bố như lo sợ, vòng chung kết (VCK) cúp thế giới lần thứ 19 thật sự là ngày hội của bóng đá lớn nhất hành tinh. Các cộng tác viên Báo NLĐ và chuyên gia quốc tế đều có cùng nhận định: Công chúng Nam Phi không chỉ nồng nhiệt chào đón World Cup mà còn thưởng thức lễ hội kéo dài một tháng.
Tây Ban Nha của Xavi (phải) thành công nhờ duy trì lối chơi kỹ thuật, đoàn kết và không quên bổ sung cầu thủ trẻ. Ảnh: REUTERS
Thành công của Nam Phi 2010 không chỉ về công tác tổ chức mà còn về chuyên môn: Giúp bóng đá thế giới đón chào nhà vô địch mới sau khi 18 giải mà ngôi vương chỉ xoay quanh 7 cái tên cũ gồm Brazil, Ý, Đức, Argentina, Uruguay, Anh và Pháp.
Cúp thế giới 2010 tiếp tục đề cao lối chơi tập thể, với vai trò người thầy trở thành trung tâm khi các HLV đã đoàn kết, tập trung được sức mạnh toàn đội, trọng dụng cầu thủ trẻ (thậm chí gần nửa đội hình như Đức). Thành công của bốn gương mặt vào bán kết là minh chứng.
Nam Phi 2010, vì thế, cũng là giải đấu khó quên đối với nhiều ngôi sao được chờ đợi và cả... những thủ môn. Các thủ thành trở thành nạn nhân của quả bóng Jabulani có quỹ đạo bay khó lường.
Điều gây thất vọng đôi chút là giải không có nhiều trận đấu hấp dẫn như mong đợi, số bàn thắng chỉ nhỉnh hơn World Cup 1990, VCK có tỉ lệ bàn thắng thấp nhất, chỉ 2,2 bàn/trận. Nguyên nhân chính là các đội “kèo dưới” tổ chức tốt và phòng ngự tốt hơn so với các giải trước đó. Thụy Sĩ, Paraguay thậm chí chơi với 2 bức tường phòng thủ 4 người. Nhưng ngay cả các đội mạnh cũng “gây mê”, điển hình là trận hòa không bàn thắng giữa Brazil và Bồ Đào Nha.
Việc chưa áp dụng công nghệ xem xét các pha ghi bàn hoặc việt vị gây tranh cãi cùng xu hướng chơi 1 tiền đạo và phòng ngự ngay trên phần sân đối phương cũng góp phần hạn chế số bàn thắng. Sau Italy 1990, FIFA đã cấm thủ môn bắt bóng bằng tay khi nhận đường chuyền về của đồng đội. Sau Nam Phi 2010, nên chăng FIFA chỉ cho phép chuyền về sau khi bóng đã qua vạch nửa sân, như futsal chẳng hạn?
Châu Âu giành cả 3 vị trí dẫn đầu nhờ sự chặt chẽ, bản lĩnh (Hà Lan), khoa học (Đức) cũng như sự gắn kết từ nền tảng CLB (Tây Ban Nha). Tuy nhiên, châu Phi và châu Á cũng thể hiện những bước tiến nhất định. Ghana trở thành lá cờ đầu châu Phi khi lần đầu vào tứ kết với đội hình trẻ trung. Hàn Quốc, Nhật Bản lần đầu vào vòng 2 ở giải đấu bên ngoài châu lục. Điều đó hứa hẹn World Cup 2014 bùng nổ, hấp dẫn hơn khi 5/6 đội lục địa đen bị loại sớm năm nay sẽ trở lại mạnh mẽ hơn nvà chủ nhà Brazil không muốn để vuột cúp ngay trên thánh địa.
“Ngôi sao” sáng nhất liên quan đến World Cup lại là chú bạch tuộc Paul ở Đức. Con vật thông minh này đã đoán trúng kết quả thắng – thua của 7/7 trận có liên quan đến đội Đức – và trở thành “nhà tiên tri” khiến rất nhiều chuyên gia, nhà báo ghen tị! |
Bình luận (0)