Thống kê của FIFA cho thấy 7/8 đội vào đến chung kết World Cup gần đây đến từ châu Âu, 13/16 đội lọt vào vòng bán kết kể từ năm 2006 cũng đến từ cựu lục địa. Ưu thế quá rõ ràng nếu so với việc chỉ có 3 quốc gia Nam Mỹ từng đóng góp đại diện ở trận chung kết World Cup suốt 9 thập niên qua là Argentina, Brazil và Uruguay.
Đó là chưa kể Uruguay đã sa sút nhiều, không đi nổi đến trận cuối cùng ở các kỳ World Cup kể từ năm 1950. Nhìn rộng hơn một chút, cũng chỉ có 2 quốc gia không thuộc châu Âu, cũng chẳng phải 2 "đại gia" Brazil và Argentina, tiến sâu đến trận bán kết kể từ năm 1970 là Hàn Quốc (2002) và Uruguay (2010).
Argentina (phải) tự tin đủ sức giành ngôi vô địch thứ ba sau gần 4 thập kỷ (Ảnh: REUTERS)
Châu Á đã làm nên kỳ tích với đồng chủ nhà Hàn Quốc ở vòng chung kết World Cup Nhật - Hàn 20 năm trước nhưng châu Phi vẫn chưa thể theo kịp bước tiến của các đội bóng lục địa da vàng. Ghana ngỡ đã làm được điều này nếu không bị chính Uruguay chặn đứng vào năm 2010 bằng cú vung tay chặn bóng, sẵn sàng nhận thẻ đỏ của Luis Suarez ở trận tứ kết năm ấy. Đội bóng Nam Mỹ từ chỗ suýt thua đã loại Ghana sau loạt đá luân lưu 11 m để có vé đi tiếp, ngăn đại diện châu Phi sáng tạo nên chiến tích mới.
Các đội bóng châu Âu đã vô địch 4 kỳ World Cup gần đây nhất, kết quả của việc đầu tư rất nhiều tiền bạc, công nghệ lẫn chất xám vào công tác đào tạo, phát triển bóng đá trẻ. Dàn cầu thủ "học viện" này được thụ hưởng cơ sở vật chất tốt nhất, làm việc với những HLV hàng đầu, cọ xát, trải nghiệm từ các giải trẻ đến các giải vô địch quốc gia trong và ngoài nước với tính cạnh tranh rất cao, liên tiếp mang về thành công cho các đội bóng châu Âu.
Brazil được đánh giá là ứng viên vô địch số 1 tại World Cup 2022 nhờ thành tích bất bại ở vòng loại, phong độ ổn định suốt 6 năm dưới thời HLV Tite cùng việc sở hữu dàn cầu thủ tài năng. Argentina - đương kim vô địch Nam Mỹ - cũng được xem là ứng viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch thế giới trên đất Qatar khi giải là cơ hội cuối cùng để Messi giành cúp vàng.
Bộ đôi "đại gia" này đang đứng trước cơ hội vinh danh bóng đá Nam Mỹ, rút ngắn cách biệt về số lần vô địch World Cup so với châu Âu (9 và 12), trong bối cảnh các đối thủ lớn nhất của họ như Pháp, Đức, Anh hay Tây Ban Nha đều sa sút, không còn giữ được sức mạnh như thời hoàng kim. Việc một cựu vô địch thế giới khác là tuyển Ý thậm chí không giành nổi vé đến Qatar lần này cũng phần nào phản ánh thực tế về một giai đoạn thoái trào của làng cầu châu Âu.
Vấn đề của Brazil lẫn Argentina là đại dịch COVID-19 và thời điểm tổ chức World Cup 2022 khiến họ có quá ít cơ hội cọ xát với những đội mạnh của châu Âu. Argentina chỉ có 3 trận gặp các đối thủ này kể từ World Cup 2018. Tuyển Brazil thậm chí chỉ có đúng một trận giao hữu với CH Czech kể từ sau World Cup 2018!
Bình luận (0)