Đường Trần Xuân Soạn có chiều dài khoảng 3,3 km, kéo dài từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Rạch Ông. Đây là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối quận 7, quận 8 và quận 4 nên mật độ giao thông rất cao. Tuyến đường này nhiều năm qua được xem là "rốn ngập" của phía Nam TP HCM.
Cần thiết, cấp bách
Theo đánh giá của UBND TP HCM, đường Trần Xuân Soạn thường xuyên ngập khi mưa, triều cường nên ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Vấn đề này đã được người dân phản ánh rất nhiều qua các kỳ tiếp xúc cử tri và báo - đài cũng thường xuyên phản ánh mỗi khi có triều cường hoặc mưa. Nguyên nhân là do cao độ hiện trạng tuyến đường thấp so với triều cường. Do đó, việc nâng cấp đường Trần Xuân Soạn, xây dựng mới hệ thống thoát nước, cửa xả là rất cần thiết và cấp bách.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy nhiều đoạn mặt đường Trần Xuân Soạn tương đối trũng, thấp, đặc biệt là đoạn dưới dạ cầu Tân Thuận thường xuyên chìm trong nước mỗi lần triều cường dâng cao; đoạn bờ kè dưới dạ cầu Tân Thuận hư hỏng, bong tróc, phía ngoài bờ kè nhiều bãi rác tự phát bốc mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực.
Hơn thế, nhiều đoạn mặt đường xuống cấp trầm trọng, đặc biệt là đoạn giao với đường Huỳnh Tấn Phát - mặt đường "nát như tương", "ổ voi", "ổ gà" chi chít.
Theo người dân địa phương, hằng ngày có hàng trăm xe container qua lại "cày nát" mặt đường, tạo nên nhiều hố sâu chực chờ bẫy người đi đường. "Mỗi khi triều cường dâng cao hoặc mưa lớn, nhiều căn nhà tại khu vực này thường xuyên chịu cảnh ngập nặng, có lúc sâu hơn nửa bánh xe máy, khiến tình trạng kẹt xe thêm trầm trọng" - bà Nguyễn Thị Hợi (ngụ đường Trần Xuân Soạn) kể.
Có nhà ngay mặt tiền đường Trần Xuân Soạn, anh Phạm Ngọc Đức cho biết mỗi khi mưa xuống, triều lên, nước mưa, nước cống, bùn đất tràn vào nhà, gia đình anh phải dời hết máy móc, thiết bị lên cao. Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm nay.
Mong dự án sớm triển khai
Mới đây, HĐND TP HCM đã đồng ý thông qua chủ trương đầu tư 2 dự án chống ngập tuyến đường Trần Xuân Soạn, mang tin vui đến cho người dân khu vực này nói riêng và người dân TP HCM nói chung.
Dự án đầu tiên là nâng cấp và cải tạo chống ngập cho đường Trần Xuân Soạn với số vốn 245 tỉ đồng, để bảo đảm thoát nước, chống ngập cho khu vực; đồng thời cải thiện vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Theo đó, mặt đường Trần Xuân Soạn sẽ được nâng lên mức 2,1 m, chiều dài khoảng 3,3 km, để đối phó tình trạng ngập úng. Hệ thống thoát nước mới sẽ được lắp đặt theo quy hoạch, bảo đảm thoát nước hiệu quả cho khu vực xung quanh. Ngoài ra, tuyến đường sẽ được nâng cấp lan can bờ kè dọc sông với chiều dài 1 km và vỉa hè cũng được cải tạo.
Dự án còn lại là xây dựng bờ kè đường Trần Xuân Soạn với tổng mức đầu tư 130 tỉ đồng, thực hiện đồng thời với dự án chống ngập, bảo đảm an toàn kết cấu bờ kè và hạ tầng dọc tuyến kè, chống sạt lở; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo quy hoạch đồng thời phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố. Bờ kè có chiều dài khoảng 700 m. Tại vị trí kè làm mới còn đầu tư xây dựng công viên cây xanh.
Hai dự án sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 7 làm chủ đầu tư, thực hiện trong giai đoạn 2024-2025.
Nghe tin TP HCM sắp triển khai dự án nâng đường, xây bờ kè để chống ngập tuyến đường Trần Xuân Soạn, người dân địa phương không khỏi vui mừng, phấn khởi. Bà Hợi, anh Đức và nhiều người dân quanh khu vực chúng tôi gặp đều mong muốn các cơ quan chức năng, đơn vị thi công, chủ đầu tư công khai kế hoạch cụ thể, sớm triển khai thực hiện 2 dự án trên để giao thông thuận tiện, người dân thoát cảnh ngập nước, cuộc sống sẽ ổn định và cải thiện hơn.
Không có chuyện "biến nhà thành hầm"
Mừng vui trước thông tin tuyến đường Trần Xuân Soạn sẽ được nâng cao để chống ngập nhưng một số người dân cũng bày tỏ lo lắng. Bởi nâng đường sẽ khiến nhà của họ thấp hơn so với mặt đường, dễ "biến nhà thành hầm", ảnh hưởng sinh hoạt cũng như mỹ quan đô thị.
Ông Trần Minh Điện, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận 7, thông tin nếu thực hiện dự án, tuyến đường trên sẽ được nâng cao tùy từng đoạn. "Không có chuyện đường Trần Xuân Soạn được nâng lên đến 1 - 2 m. Mức 2,1 m là số liệu cao độ quy hoạch, so theo đỉnh của bờ kè. Hiện trạng đỉnh kè cao nhất là 2,3 - 2,6 m. Cao độ đường sẽ được nâng linh hoạt theo từng vị trí nhưng cao nhất chỉ 0,65 m. Do đó sẽ không xảy ra việc nhà dân bị "biến nhà thành hầm" - ông Điện khẳng định.
HĐND TP HCM yêu cầu UBND thành phố ưu tiên bố trí đủ vốn ngân sách thành phố để triển khai thực hiện 2 dự án trên đường Trần Xuân Soạn. Thường trực HĐND TP HCM, các ban, tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức triển khai, thực hiện dự án.
Bình luận (0)