"Loại tên lửa này khả năng cao là sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với các loại tên lửa khác mà Nga đang sử dụng tại Ukraine" - Bộ Quốc phòng Anh nêu đánh giá tình báo trong bản cập nhật tình hình xung đột Ukraine hôm 30-11.
Tên lửa Oreshnik mà Nga sử dụng trong cuộc tấn công gần đây vào TP Dnipro của Ukraine được cho là phiên bản của tên lửa đạn đạo Rubezh RS-26, lần đầu thử nghiệm vào năm 2011.
Oreshnik được phân loại là tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM), có tầm bắn tối đa từ 3.000-5.500 km. Dù vậy, trong cuộc tấn công vào Dnipro, tên lửa này chỉ di chuyển khoảng 800 km để tới mục tiêu.
Tên lửa Rubezh được trưng bày tại St. Petersburg - Nga. Ảnh: EPA.
Loại tên lửa này được thiết kế với hệ thống tác chiến tiên tiến, bao gồm 36 đầu đạn con chia thành 6 nhóm, có khả năng đạt tốc độ siêu vượt âm hơn Mach 5 (khoảng 6.175 km/giờ). Đây là một trong những tính năng tiêu chuẩn của tên lửa đạn đạo tầm trung, cho phép nó vượt qua hầu hết hệ thống phòng không truyền thống.
Theo Bộ Quốc phòng Anh, việc Nga triển khai tên lửa Oreshnik trong cuộc tấn công gần đây mang ý nghĩa chiến lược, nhằm gửi thông điệp đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa phương Tây tấn công các mục tiêu của Nga.
Tình báo Anh cũng đánh giá, Nga có thể đã bắt đầu phát triển loại tên lửa này trước khi rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vào tháng 2-2019. Trước đó, hiệp ước này đã ngăn cản việc phát triển và sản xuất tên lửa tầm trung, hạn chế đáng kể các chương trình tên lửa của Nga.
Tại hội nghị thượng đỉnh CSTO diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan ngày 28-11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tên lửa Oreshnik có thể nhắm vào các trung tâm chỉ huy chiến lược tại Kiev. Ông khẳng định tên lửa này có thể diệt cả những mục tiêu được bảo vệ sâu và kiên cố nhất.
Với tốc độ tối đa 3 km/giây và nhiệt độ lên tới 4.000°C tại tâm vụ nổ, Oreshnik có khả năng phá hủy mọi thứ trong phạm vi tác động thành những hạt nhỏ li ti - theo tổng thống Nga.
Tuy nhiên, ông Putin nhấn mạnh tên lửa Oreshnik không mang đầu đạn hạt nhân, do đó không gây nguy cơ phát tán phóng xạ. "Mặc dù không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt, Oreshnik lại cực kỳ chính xác" - ông cho biết.
Mỹ gần đây đã "bật đèn xanh" cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công các mục tiêu quân sự sâu trong lãnh thổ Nga. Ukraine đã tiến hành ít nhất ba cuộc tấn công vào các khu vực biên giới Nga kể từ khi được trang bị loại vũ khí này.
Bình luận (0)