icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tính lại kế hoạch sử dụng đất hằng năm

Bài và ảnh: QUỐC ANH

Nhiều ý kiến cho rằng để sử dụng đất hiệu quả, TP HCM cần có được cơ chế không lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm

Đến nay, đã bước sang gần giữa tháng 6 nhưng chỉ vài địa phương trên địa bàn TP HCM có kế hoạch sử dụng đất năm 2024.

Năm nào cũng chậm

Việc ban hành kế hoạch sử dụng đất hằng năm chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với các địa phương. Thời điểm năm 2022, qua những buổi giám sát tại địa phương, sở, ngành về việc thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã có nghị quyết của HĐND TP HCM, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP HCM Nguyễn Thị Thanh Vân nhận xét kế hoạch sử dụng đất hằng năm tại các quận, huyện năm nào cũng không đúng thời gian.

Theo quy định, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện hằng năm sẽ phải được duyệt vào ngày 31-12 năm trước. Tuy nhiên, đa phần địa phương được duyệt vào quý II hoặc quý III năm đó. Theo bà Vân, tồn tại này nhiều năm qua chưa khắc phục được. Thậm chí, đến thời điểm quý IV mà kế hoạch sử dụng đất của nhiều địa phương vẫn chưa được duyệt. Điều này ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án và quyền lợi của người dân.

Theo thống kê, đến giữa tháng 10-2022 nhiều quận, huyện ở TP HCM chưa có kế hoạch sử dụng đất. Đại diện các quận, huyện đã giải thích nguyên nhân chậm trễ và khẳng định rất khó làm đúng quy định.

Tính lại kế hoạch sử dụng đất hằng năm- Ảnh 1.

Theo nhiều chuyên gia, kế hoạch sử dụng đất hằng năm khó khả thi, tạo ra “gánh nặng” công việc cho cán bộ. Trong ảnh: Khu vực cầu vượt thị trấn Củ Chi nhìn từ trên cao.

Bước sang năm 2023, tiến độ phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm có cải thiện. Tháng 6-2023, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM cho hay đã thẩm định kế hoạch của 19 địa phương. Cụ thể, đó là các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp; 3 huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và TP Thủ Đức. Huyện Củ Chi được xem là đột phá, bởi năm 2022, tới tháng 10 huyện này mới được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của năm (trễ 10 tháng)... Sau đó, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của nhiều địa phương được phê duyệt.

Sang năm 2024, tính đến đầu tháng 6, một số địa phương đã được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, như quận 1 (tháng 2), quận Gò Vấp (tháng 3), quận 5, huyện Cần Giờ (tháng 4), quận Bình Thạnh (tháng 5). Tại TP Thủ Đức, hồ sơ kế hoạch sử dụng đất năm 2024 được trình từ tháng 2. Sở TN-MT TP HCM đã thẩm định, góp ý và sau đó, TP Thủ Đức hoàn chỉnh và trình lại sở thẩm định trước khi trình UBND TP HCM ký phê duyệt...

Như vậy, dù chậm nhưng thực tế năm 2024 so với các năm thì công tác phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đã có sự tiến bộ đáng ghi nhận.

Cần sự hiệu quả

Theo Giám đốc Sở TN-MT TP HCM Nguyễn Toàn Thắng, có 3 khâu khiến kế hoạch sử dụng đất hằng năm chậm phê huyệt.

Thứ nhất là đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập kế hoạch sử dụng đất. Thứ hai, nhiều địa phương thông qua Ban Thường vụ hoặc thông qua HĐND vì kế hoạch sử dụng đất hằng năm là cơ sở rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Thứ ba, trong quá trình phê duyệt thì quận, huyện mòn mỏi chờ các dự án được cấp vốn để đưa vào kế hoạch sử dụng đất.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng với vô số bất cập, các khâu chuẩn bị và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hằng năm tốn thời gian, gần như không bảo đảm hoàn thành vào tháng 12 năm trước như quy định. TP HCM từng kiến nghị bỏ việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Để sử dụng đất hiệu quả, TP HCM cần có được cơ chế không lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm vì đã có kế hoạch sử dụng đất 5 năm được phê duyệt; quy hoạch sử dụng đất hằng năm thì có quy hoạch xây dựng.

Khi làm việc với lãnh đạo Quốc hội xung quanh tình hình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), lãnh đạo Sở TN-MT TP HCM nêu ý kiến thực tiễn có nhiều vấn đề liên quan pháp luật đất đai mà người dân bức xúc và cơ quan quản lý nhà nước lúng túng khi triển khai, trong đó có kế hoạch sử dụng đất hằng năm.

Theo lãnh đạo Sở TN-MT TP HCM, trong quy định pháp luật luôn có câu đại ý làm gì làm cũng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thoạt nghe thì rất khoa học, chặt chẽ nhưng thực tế, kế hoạch sử dụng đất hằng năm có tính khả thi không cao, ý nghĩa cũng không lớn. TP HCM chưa bao giờ có kế hoạch sử dụng đất hằng năm ban hành vào đầu năm, bởi quy trình và các bước làm mất thời gian.

Đồng quan điểm, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng ban hành kế hoạch sử dụng đất hằng năm là bất hợp lý, không khả thi.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã tạo ra "gánh nặng" công việc cho cán bộ, chỉ nên áp dụng với lĩnh vực đầu tư công. Ngoài ra, trên địa bàn TP HCM đã có đủ quy hoạch 1/2.000 nên không cần kế hoạch sử dụng đất hằng năm, chỉ cần thực hiện theo quy hoạch này. 

Làm tốt kế hoạch sử dụng đất 5 năm là đủ

Lãnh đạo HĐND huyện Củ Chi từng thông tin nhiều năm người dân phàn nàn về kế hoạch sử dụng đất. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề này đều được nêu ra và cử tri bày tỏ bức xúc, muốn kế hoạch sử dụng đất được duyệt đúng thời gian quy định.

Theo lãnh đạo Sở TN-MT TP HCM, người dân bức xúc khi quyền sử dụng đất bị "treo" bởi kế hoạch sử dụng đất hằng năm, trong đó có trách nhiệm của chính quyền, của sở. Một trong nhiều câu chuyện là khi con cái lập gia đình, người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất để xây nhà nhưng cơ quan chức năng nói chưa đăng ký kế hoạch sử dụng đất để họ thực hiện.

Từ đó, theo lãnh đạo Sở TN-MT TP HCM, khi đã có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm thì nên hết sức cân nhắc kế hoạch sử dụng đất hằng năm. Cơ quan chức năng chỉ cần làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất 5 năm là đủ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo