Sống chết với vườn cây
Mảnh vườn ông Thạnh đang sinh sống là đất hương hỏa do ông bà, cha mẹ để lại. Toàn bộ diện tích hơn mẫu đất, ông chỉ trồng một loại cây duy nhất: bưởi thanh trà. Ông nhớ lại: “Hồi đó, tôi đang ở Tây Nguyên thì nhận được tin mẹ tôi nhắn lên con hãy về chăm sóc mẹ. Tôi suy nghĩ nhiều lắm. Bố đã mất, mẹ già ở nhà một mình, không lẽ để mẹ đêm hôm đơn chiếc như vậy. Thế là tôi quyết định đưa cả gia đình trở về Huế sinh sống để phụng dưỡng mẹ già và lập vườn”.
Những ngày đầu mới trở về quê, gian khổ vô cùng, cuộc sống muôn vàn khó khăn. Nhiều lần ông Thạnh suy nghĩ vì sao mình đang ở trên xứ sở của đặc sản bưởi thanh trà mà không trồng bưởi để cứu đói. Và thực tế cũng không có cây ăn quả nào cho giá trị kinh tế như bưởi thanh trà cùng trên một diện tích đất.
Ngồi nhớ lại những tháng ngày mới lập vườn mà ông rơm rớm nước mắt. Đối với gia đình ông, vườn bưởi thanh trà đã để lại trong ông quá nhiều kỷ niệm. Ông yêu vườn bưởi thanh trà như yêu cuộc sống của mình. Trong đó có cả hình bóng người mẹ già của ông sớm hôm lọm khọm nhặt lá vàng trong vườn nhà.
Mỗi năm đến tháng giêng, bưởi thanh trà nở hoa trắng xóa đến nao lòng. Ngồi dưới trăng uống trà, mùi hoa bưởi tỏa hương dịu ngọt để rồi hứa hẹn nửa năm sau trên từng bông hoa ấy là những quả bưởi thanh trà tròn căng, mọng nước. Những lúc rảnh rỗi ông Thạnh ra nhặt lá, tỉa cành, xem cây như bạn thân, tìm niềm vui bên cội thanh trà sần sùi. Chính tay ông đi gom từng cánh hoa bưởi cho các cô con gái gội đầu. Khi du khách tham quan vườn thanh trà, được nghe ông Thạnh “tiếp thị” bằng câu chuyện trên, không ít người thầm hẹn mùa thanh trà sau sẽ trở lại để được cùng ông uống trà dưới trăng, thưởng thức mùi hương hoa dịu ngọt, thơm như mái tóc thiếu nữ. Mới đây, khu vườn bưởi thanh trà của ông được TP Huế chọn làm “địa chỉ xanh” đón khách du lịch.
Đạm bạc, biết hy sinh
Mới đến đầu làng hỏi tên ông Thạnh ai cũng biết. Ông nổi tiếng nhất vì có vườn bưởi thanh trà lớn vào loại nhất nhì TP. Bây giờ, hơn 200 gốc bưởi thanh trà của ông đã cho quả. Cây không phụ lòng người, mỗi mùa, thu về cho gia đình ông từ 50 triệu đến 70 triệu đồng. Có đồng ra đồng vào nhưng cuộc sống của gia đình ông Thạnh rất đạm bạc. Có bao nhiêu tiền ông bà đầu tư cho con cái ăn học.
Ông Thạnh có đến 10 người con. Cả 10 đều học hành đàng hoàng, cao nhất là đại học, thấp nhất cũng trung học chuyên nghiệp, chẳng ai phải nghỉ học ở nhà.
Người ta càng quý phục ông khi biết rằng năm 1987, ông Thạnh từ bỏ một gia tài trị giá 20 tỉ đồng ở Tây Nguyên để trở về Huế, làm vườn sinh sống, chăm sóc mẹ già cho đến lúc bà qua đời. Lòng hiếu thảo của ông Thạnh đối với mẹ già được nhiều người nhắc hoài. Họ thường lấy hình ảnh ông Thạnh làm gương cho con cháu. Còn ông Thạnh chỉ cười hiền rồi nói rằng cuộc sống phải biết chấp nhận hy sinh và luôn lấy chữ hiếu làm đầu.
Thanhtrathuybieu@yahoo.com
Từ khi trồng bưởi thanh trà, ông Thạnh tích cực quảng bá thương hiệu sản phẩm. Thanh trà ở Thủy Biều ngon nổi tiếng. Thấy ông bà làm được việc, TP Huế dành hẳn cho gia đình ông một vị trí tại bến xe sát chợ Đông Ba để chào hàng. Vợ ông Thạnh cho biết thông qua quầy hàng này nhiều du khách đến Huế đã mua được thanh trà Thủy Biều chánh hiệu. Khách hàng không khó lắm để nhận ra quả thanh trà ngon, đó là những quả có vỏ mỏng, láng bóng. Bưởi thanh trà Thủy Biều có hình quả lê và đầu cuống lại không nhọn và tóp như bưởi Năm Roi.
Nhờ công lao của vợ chồng ông Thạnh nên thương hiệu thanh trà Thủy Biều không ngừng bay xa. UBND xã Thủy Biều cũng đã mở một địa chỉ e-mail: thanhtrathuybieu@yahoo.com để khách hàng trong và ngoài nước liên hệ đặt hàng.
Bình luận (0)