Các nhà nghiên cứu dân gian cho rằng nơi nào có sông sâu, nước chảy hiền hòa và trái ngọt, cây lành thì nơi đó ắt có nam thanh, nữ tú. Như vậy, ngoài việc hội đủ các yếu tố này, Nha Mân (xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) còn có thêm giai thoại về chúa Nguyễn Ánh trên đường thoát thân đã để lại nhiều cung phi nên được khắp nơi biết đến như một miền gái đẹp nhất vùng ĐBSCL.
Ở Nha Mân có nhiều cô gái đẹp dịu dàng, da trắng, tóc dài tha thướt. Ảnh: THANH VÂN
Nhờ có nguồn “gien quý”
Tương truyền, xưa kia, sau khi thất thủ trong trận quyết chiến tại Rạch Gầm - Xoài Mút (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) với quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh (chúa Nguyễn) quay thuyền lại đưa toàn bộ bầu đoàn thê tử ngược dòng sông Tiền tìm đường lánh nạn. Trên đường bôn tẩu, chúa Nguyễn phải ngậm ngùi bỏ lại sau lưng hàng trăm cung tần mỹ nữ dọc đôi bờ sông này cho thuyền bớt nặng. Những địa danh được cho là chúa Nguyễn chọn để các thê tử làm nơi tá túc, gồm: Nha Mân và Mỹ Luông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang).
Lúc chia tay, chúa Nguyễn ban cho các mỹ nhân rất nhiều tiền vàng để tự tìm kế mưu sinh và dặn dò: “Ta đi chuyến này chắc khó có ngày đoàn tụ. Vì vậy, các nàng được phép “đi bước nữa” để sinh con đẻ cái…”. Và có lẽ vì thế mà từ xưa đến nay, vùng đất Nha Mân và Mỹ Luông luôn có nhiều gái đẹp. Tuy nhiên, những cô gái đẹp Nha Mân lại được nhắc đến nhiều hơn bởi trước đây, các vua xứ Cao Miên (Campuchia) từng xuôi thuyền xuống tận nơi này để chọn vợ.
Biết chúng tôi đến Nha Mân với ý định tìm hiểu về miền gái đẹp, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Châu Thành, tỏ ra rất niềm nở và tận tình cung cấp những thông tin mà ông có được. Theo ông Đức, mặc dù bị sa cơ thất thế nhưng chắc chắn các cung tần mỹ nữ của Nguyễn Ánh chẳng bao giờ chọn chồng là dân nghèo hay ít học. Những người muốn cưới được các mỹ nhân này phải thuộc hàng danh gia vọng tộc, diện mạo khôi ngô. Chính nhờ có nguồn “gien quý” này nên các thế hệ sau vẫn giữ cái nhan sắc tuyệt trần.
Tuy nhiên, ông Đức thừa nhận điều gì rồi cũng phôi pha theo thời gian. Mặc dù hiện tại Nha Mân vẫn còn rất nhiều cô gái đẹp nhưng sẽ không thể sánh với thời xuân sắc của các bà, các chị tuổi 60-70 bây giờ. Trong số những mỹ nhân vang danh một thuở như bà Tám Ngự, Mười Xinh, Bảy Nhẫy, Tư Nga…, nay có những người đã bước sang tuổi 70 nhưng da dẻ vẫn hồng hào, nụ cười vẫn tươi như hoa.
“Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”. Câu truyền miệng quen thuộc này cũng như câu “Gái Nha Mân xa gần biết tiếng” là vì vậy.
Hồng nhan bạc phận?
Theo nhận định của nhiều người dân địa phương, tuy con gái Nha Mân xinh đẹp như thế nhưng vẫn có nhiều người lận đận trong tình duyên hoặc hạnh phúc gia đình chỉ vì trót mang tuổi Dần. Bởi theo quan niệm người nhiều vùng, con gái tuổi Dần thì... “dữ”!
Bà Trương Thị Thưởng, ở ấp Tân Thuận, xã Tân Nhuận Đông, cho biết thời con gái, bà cũng đứng tốp đầu người đẹp xứ Nha Mân nên được rất nhiều trai làng và cả cán bộ, sĩ quan phải chết mê chết mệt. Thế nhưng, khi bà Thưởng ưng chọn một chàng trai tại địa phương thì gia đình bên kia lại không chấp thuận cưới chỉ vì kỵ cái tuổi Dần của bà. Bất chấp sự can ngăn, bà và người yêu cũng đến với nhau và đã có được đứa con trai.
“Chắc vì cái “huông” tuổi Dần nên vợ chồng tôi không được thuận hòa. Phần vì cha mẹ, anh em bên chồng luôn tỏ ra hiềm khích nên hơn một năm sau đó, vợ chồng tôi chia tay. Tôi đã sống lẻ bóng suốt gần 30 năm nay để nuôi con ăn học thành tài. Quan niệm cổ hủ về tuổi Dần đã khiến nhiều phụ nữ, dù rất đẹp, phải ở giá” - bà Thưởng chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Thành 1, cho biết ở Nha Mân có nhiều giáo viên hoặc cán bộ quản lý rất đẹp nhưng cũng có chung tình cảnh như thế. Có người đến nay sắp về hưu rồi vẫn chưa thể có được tấm chồng để nâng đỡ nhau lúc tuổi già.
Bình luận (0)