Quẩn quanh anh em họ
Ông Lệ phủi tay: “Nhiều lắm”. Tiếp câu chuyện, bà Hồ Thị Nam, là đại biểu HĐND huyện Hương Khê, kể một mạch những chuyện con dì lấy con cậu, con cô, hết tên người này đến tên người khác, tôi ghi không kịp. Tôi hỏi: “Cô nghĩ gì về chuyện hôn nhân cận huyết này? Nó để lại hậu quả ra sao?”. Bà trả lời tỉnh bơ: “Bà con không lấy người ngoài bản, vì nếu thế sẽ mất bản sắc, mất tiếng nói cha ông, nên cứ lấy nhau xoay quanh như thế, vui lắm!”. Ông Lệ “bỏ nhỏ” với tôi: “Bà Nam là đại biểu HĐND nhưng chỉ là cơ cấu cho đủ thành phần thôi. Bà không biết đọc, biết viết, chỉ biết ký một chữ Nam thôi”.
Tôi tìm đến nhà Hồ Thị Bình. Cô gái 19 tuổi này đang địu đứa con mới một tuổi. Hồ Văn Bốn là chồng Bình, không có nhà. Bình có nụ cười như chưa từng dãi nắng dầm mưa, cái nhìn trong trẻo như trẻ thơ. Tôi hỏi: “Sao không yêu người khác mà yêu Bốn rồi lấy làm chồng?”. Bình cười hồn nhiên: “Em không biết đâu”. “Em học đến lớp mấy?”. “Lớp 8 rồi nghỉ”. “Chồng học lớp mấy?”. “Lớp 4” - tiếng hai người phụ nữ đứng gần đó góp chuyện. Bình quay lại, nặng giọng: “Làm gì lớp 4, lớp 1 hay 2 gì đó thôi”. Thế là ba phụ nữ rộ lên, tranh cãi, rồi khẳng định: “Cưới là do duyên phận, do hoa tay thôi. Đến giờ đến phút đó là cưới thôi, lấy ai chẳng được!”.
Cha mẹ kết hôn cận huyết, con cái sẽ thế nào? Tôi chợt nhói lòng khi nhớ ông Lệ bảo Hồ Văn Cương và Hồ Thị Thành cũng từ nhà ông Vẹt mà ra, lấy nhau sinh ra cháu Hồ Thị Hạnh đã được năm tuổi, bị thiểu năng trí tuệ. Ám ảnh nhất là bàn chân bị cụt của cháu Hồ Thị Thu con của Hồ Văn Hà và Hồ Thị Sâm. Họ đứng cho tôi chụp ảnh, cười như không cần biết nhát chém đớn đau của hôn nhân cận huyết giáng xuống con mình, cười gật đầu như lẽ đương nhiên khi xác nhận với tôi họ là con của dì lấy con của dì…
Bó tay!
Ông Lệ bảo, người Chức trước đây lang thang, phát nương làm rẫy. Chính quyền kêu về, dựng nhà, phát gạo, giống, dụng cụ lao động. “Nhà nước tốn không biết bao nhiêu tiền vào đây, bộ đội biên phòng cực khổ với họ biết bao nhiêu. Cũng có tiến bộ chút ít, nhưng chuyện kết hôn cận huyết thì đúng là bó tay thôi”. Ông Lệ vừa nói vừa chìa ra bản kiến nghị hỗ trợ gần sáu tấn gạo cho họ vì đang mùa giáp hạt. Huyện Hương Khê cũng vừa phê duyệt tiền hỗ trợ gần 300 triệu cho năm 2012. “Mọi người lười lắm anh ơi” - vợ ông Lệ nói. “Ừ” ông Lệ gật “có gạo, 15 kg/khẩu/tháng nhưng biên phòng phải chia ra phát làm bốn - năm đợt, vì đưa gạo là họ đi đổi rượu uống ngay. Trâu bò cấp thì không chịu chăm sóc để chết vì rét, rồi bán trộm lấy tiền tiêu, đổ là để mất”.
Trẻ con đi học, xuống hết dưới trường nội trú huyện, nhưng chỉ học hết cấp II là nghỉ, vì không có tiền ở trọ, không gạo để ăn. Bản này có hai người từng đi xa nhất, ra đến tận Hà Nội học, là Hồ Văn Kham con của bà Nam và Hồ Thị Xuân. Năm 2007, nhạc sĩ An Thuyên về thăm, kiểm tra chất giọng, năng khiếu vẽ, thấy hai đứa này khá, bèn đưa ra cho học nhạc họa, trợ cấp học hết chương trình cấp II nhưng… cũng chỉ đến đó mà thôi.
Trai gái làng này cứ đời nối đời, lấy nhau với người trong nhà, là có lý do, mà theo ông Lệ là rất khó giải quyết. Muốn cưới người khác bản thì phải vào tận Quảng Bình, trong đó có tộc người Chức, nhưng đường đi quá xa. Rồi mâu thuẫn, đánh nhau giữa thanh niên bản này với thanh niên người Chức trong đó, căng đến mức bộ đội biên phòng hai tỉnh phải ngồi lại với nhau tìm cách giải quyết.
Ông Lệ vỗ bàn: “Câu hỏi của anh làm tôi nhớ ông tiến sĩ nào đó về dân tộc học, từng cho rằng tộc người này 40 năm nữa mới tiến bộ được”. Liệu có được như thế không khi con đường hôn nhân ngoại tộc của họ vẫn mịt mờ? Tôi thì nghĩ đến một kết cục bi thảm, chứ không tươi sáng như ông Lệ, bởi hậu quả của hôn nhân như thế thật khó lường. Chỉ có họ mới cứu được họ.
Bình luận (0)