“Thấy con hay lên Facebook, tôi muốn vào xem con làm gì, bạn bè của con là những ai. Nhưng vừa biết người đó là tôi, con đã block Facebook tôi trong khi mở cho cả thế giới này xem”- một phụ huynh than vãn tại tọa đàm “Rút ngắn khoảng cách cha mẹ- con cái” do Công ty Nghiên cứu thị trường TITA tổ chức mới đây.
Tin bạn hơn cha mẹ
Khi người dẫn chương trình hỏi: “Ở đây, cha mẹ nào muốn vào xem Facebook hay đọc nhật ký của con?” thì lập tức hơn 90% người có mặt trong hội trường giơ tay lên. Cha mẹ luôn mong muốn gần gũi, lắng nghe và hiểu con tuy nhiên con cái ngày càng xa cha mẹ.
Phụ huynh chia sẻ về tình hình của con tại buổi tọa đàm
Có người chia sẻ ngày trước chuyện gì con trai cũng tâm sự, hỏi ý kiến mẹ nhưng càng lớn con càng ít khi làm việc này. Đặc biệt, khi có nhiều câu hỏi liên quan đến kiến thức, cha mẹ lúng túng, cậu con trai đã chê ngay: “Mẹ cái gì cũng không biết, thôi để con hỏi bạn”. Từ đó về sau, có chuyện gì cậu bé cũng nói với bạn bè mà chẳng bao giờ hỏi mẹ nữa.
Một ông bố khác có cô con gái học năm 2 đại học, đã có bạn trai. Nhân dịp một người bạn ở nước ngoài về, cô bé muốn đi Vũng Tàu chơi cùng nhóm bạn. Ông bày tỏ: “Không cho đi thì không được nhưng cho con đi tôi bất an quá. Dù nhờ mẹ cháu dạy kỹ về giới tính nhưng 2 ngày cháu đi tôi cứ đứng ngồi không yên, liên tục gọi điện thoại. Khi về, cháu gặp ba mẹ giận dữ nói: “Tại sao ba mẹ không tin con?”.
Cùng tâm trạng với người cha này, một người cha khác cho biết có con trai đang học lớp 9. Nghi ngờ con yêu sớm, anh răn đe: “Ngày xưa bằng tuổi con, ba cũng yêu một cô bạn cùng lớp. Vì người yêu, ba hết lòng kèm cặp cho cô ấy. Từ học lực trung bình, sau thời gian ngắn được kèm cặp, cô bạn gái của ba lên loại khá. Còn ba từ học lực giỏi, tuột xuống loại yếu. Ba nhận ra mình sai lầm và cắt đứt ngay tình cảm và ba đã học giỏi trở lại. Ba không muốn con đi vào vết xe đổ của ba”. Vừa dứt lời, anh nhận ngay một gáo nước lạnh: “Ba khác, con khác”.
Áp đặt con cái
TS Nguyễn Thị Bích Hồng, Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng xa do nguyên nhân khách quan là sự chênh lệch tuổi tác. Cha mẹ thường suy nghĩ theo giá trị cũ chỉ có học mới thành tài. Điều này chưa hẳn đúng vì thực tế nhiều người không học vẫn thành tài. "Cái mới được các em nắm bắt rất nhanh trong khi đó cha mẹ thường đem cái cũ ra giảng giải, các em không thích nghe. Vì thế, cha mẹ phải biết cái mới hoặc nói các giá trị truyền thống theo cách mới" - bà Hồng nói.
Bà Hồng cũng chỉ ra hiện nay rất nhiều bậc cha mẹ không được trang bị kiến thức, kỹ năng trước khi làm cha mẹ nên thường áp đặt con cái. Tất cả cũng vì tốt cho con nhưng không phải cách làm, suy nghĩ nào của cha mẹ cũng đúng.
Thêm vào đó, không ít cha mẹ quá kỳ vọng vào con và muốn xây tường thành để bảo vệ con một cách trong suốt. Điều này rất khó, thay vào đó, hãy để con thoát khỏi bức tường đó, trở thành người lớn. Cha mẹ chỉ đứng cạnh, nâng đỡ khi cần thiết.
Trước những băn khoăn của các bậc phụ huynh, chuyên gia tâm lý này khuyên: "Chúng ta không thể bảo “dẹp công nghệ đi” vì cuộc sống cứ phát triển dồn dập. Do vậy, cha mẹ nên tổ chức lại cuộc sống gia đình, sau bữa cơm chung, mọi người cùng nhau trò chuyện. Cố gắng làm bạn, hiểu và chia sẻ với con; từ đó mới có thể uốn nắn, giúp các cháu phát triển, nhận biết các giá trị cuộc sống".
43% học sinh không ngại quan hệ tình dục
Công ty Nghiên cứu Thị trường TITA đã nghiên cứu “Hành vi tuổi teen” trên 400 học sinh cấp 2, 3 tại TP HCM và Hà Nội. Kết quả cho thấy, 96% học sinh sử dụng internet để giải trí, chỉ có 14% dùng cho việc học. Thời gian cha mẹ gặp con cái là 2 giờ/ngày, chủ yếu vào giờ ăn, xem tivi. Đáng chú ý, 13% em đang có người yêu, trong đó 40% không cho cha mẹ biết; số còn lại cho rằng cha mẹ không quan tâm con có người yêu hay không. Bên cạnh đó, 43% em cho rằng quan hệ tình dục khi yêu là chuyện bình thường.
Bình luận (0)