xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cha mẹ kỳ vọng “quá đáng” vào con

Thạc sĩ Lê Thị Linh Trang

Không ít những người làm cha mẹ đã đặt lên đôi vai con cái họ những mong muốn, kỳ vọng “quá đáng”, tạo ra áp lực không nhỏ trong cuộc sống của những đứa con

Ở một ngã tư lúc đang dừng đèn đỏ, một bà mẹ trẻ nói chuyện với đứa con trai nhỏ đang ngồi phía trước xe. Mẹ hỏi: “Lớn lên con sẽ làm nghề gì nè?”. Vừa lúc đó một chiếc xe cấp cứu hụ còi chạy ngang, đứa bé nói luôn: “Con làm tài xế lái xe cấp cứu”. Người mẹ giận dỗi rít lên: “Trời đất, mẹ dạy con bao nhiêu lần rồi, lớn lên con phải làm kỹ sư, làm giám đốc chứ!”.

img
Cha mẹ nên khuyến khích con phát huy khả năng, cũng như tính độc lập từ bé. Ảnh: G.Thùy


Con phải thành “ông nọ, bà kia”


Bé H. Mai năm nay chỉ mới học lớp 1 nhưng đã có một thâm niên đến trường đến lớp thật đáng nể: 18 tháng đi nhà trẻ, vừa qua 2 tuổi mẹ chở đến trường dạy nhạc nhưng nhà trường chê bé quá, chưa học được, thế thì học múa, học bơi; đến 3 tuổi học vẽ ở nhà thiếu nhi; 4 tuổi học đàn, học chữ tiếng Việt; 5 tuổi học thêm tiếng Anh cùng với việc duy trì những môn học kia. Bây giờ học lớp 1 bé Mai còn phải đến nhà cô giáo học thêm tập chép để rèn chữ cho đẹp. Hôm nào đi học về với điểm 8 trong vở, Mai lấm lét chờ đợi, thế nào mẹ cũng thắc mắc: “Sao chỉ có 8 vậy con?”. Đối với chị Vân, anh Hoàng - cha mẹ bé Mai - thì con mình nhất định là một thiên tài ở bất kỳ lĩnh vực nào: cầm, kỳ, thi, họa...


Trong giờ giải lao trên một giảng đường đại học, cô giáo trao đổi với Tấn Minh, một sinh viên thường hay đi trễ hoặc vắng học: “Bộ em thích cả hai ngành luôn hay sao mà em học hai trường y dược với ngân hàng không liên quan gì với nhau vậy?”. Minh bối rối trả lời: “Dạ hổng phải. Do ba em kinh doanh chứng khoán nên muốn em trở thành chuyên viên tài chính, còn mẹ nói mẹ chỉ thích em làm bác sĩ!”.


Chị Xuân Thảo là một giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ, năm nay đã qua tuổi băm rồi mà vẫn phòng không gối chiếc. Không phải chị xấu xí hay vô duyên bạc phận gì mà chẳng qua là ba mẹ chị khó quá. Có người tự tìm đến với chị, có người qua người quen giới thiệu, nhưng ai ba mẹ chị cũng chê hết. Nào là con gái cành vàng lá ngọc, nào là xinh đẹp, học giỏi, có trình độ cao... nên theo ba mẹ chị thì chưa thấy ai xứng với chị hết. Cho đến bây giờ chị ở “U lỡ cỡ”, không còn mấy cơ hội để lựa chọn. Qua một buổi đi dạy giùm người bạn ở trường bổ túc văn hóa, chị Thảo gặp anh Chinh là một công nhân ngày đi làm tối đi học. Với thời gian hai người đã có tình cảm sâu đậm, nhưng đến khi đưa anh về ra mắt, mẹ chị đã nước mắt ngắn dài, bỏ ăn mấy ngày, vì “Con cái gì nuôi cho ăn học khôn lớn, có bằng cấp cao, không biết lấy bác sĩ, kỹ sư để làm ông nọ bà kia với người ta mà lại...”. Đến bây giờ chị Thảo hoàn toàn bế tắc về việc xây dựng hôn nhân cho mình.


Đừng quá “ảo tưởng” về con


Những câu chuyện ở trên cho thấy có nhiều kiểu áp lực tâm lý cha mẹ gây ra cho con cái, như: về chuyện học hành, con phải luôn đạt thành tích cao, luôn đứng đầu bảng; về công việc, con phải làm việc ở những ngành nghề, những nơi danh giá, sang trọng, hoặc kiếm nhiều tiền; về những mối quan hệ bạn bè; về hôn nhân gia đình...


Những áp lực này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau: do cha mẹ quá lo lắng cho tương lai của con trong một xã hội mang tính cạnh tranh cao; do cha mẹ muốn con hoàn thành những ước mơ còn dang dở của mình trước đây; do cha mẹ ảo tưởng về khả năng của con cái; do thái độ cầu toàn của cha mẹ... Tất cả những điều này có thể đều xuất phát từ tình yêu thương và đều hướng đến mục tiêu là một tương lai tốt đẹp cho con. Tuy nhiên, nó lại biến thành áp lực phần lớn là do những điều kỳ vọng này không phù hợp hoặc thậm chí mâu thuẫn với những khả năng, nguyện vọng, sở thích của con. Trong khi đó, gần như không có sự chia sẻ, trao đổi, bàn bạc giữa cha mẹ và con cái.


Nếu cha mẹ cứ tạo ra cho con những áp lực ngày càng cao hơn và tồn tại trong thời gian dài sẽ có nguy cơ tạo ra những trở ngại về tâm lý cho con, tạo ra sự hụt hẫng cá nhân khi không thực hiện được những kỳ vọng vì một hạn chế riêng nào đó, từ đó tạo ra những mặc cảm tự ti và ý nghĩ mình là một con người kém giá trị lại làm tăng thêm hẫng hụt, stress kéo dài. Vì vậy trong cuộc sống mới có những trường hợp con cái phản ứng hung bạo, trầm cảm, bỏ nhà đi bụi, tự tử... mà khi xảy ra, các bậc phụ huynh hay thắc mắc “không hiểu tại sao con tôi nó lại như vậy?!”.

Có những việc cha mẹ cần đưa ra bàn bạc với con, lắng nghe ý kiến của con và các quyết định phải được chia sẻ. Con cái cần có đủ lòng tin và được cha mẹ để cho tự do đưa ra các quyết định riêng, nhất là khi cha mẹ không hiện diện. Những quyết định này cần được tôn trọng, thậm chí nếu có sai lầm, cha mẹ sẽ giúp con nhận ra và đó là cơ hội để con học hỏi thêm.


Ngoài ra, đừng quên rằng cha mẹ là những kiểu mẫu cho con cái về vai trò người cha, người mẹ tương lai, con cái học cách đối xử với người khác như mình đã được đối xử, quan hệ với người khác như đã được đối xử trong gia đình.


Trong xã hội ngày nay, trẻ em được mong đợi sẽ lớn lên, rời tổ ấm và khởi sự xây dựng, thành lập gia đình riêng của mình. Để làm được như vậy, con cái phải được tự do thoát khỏi sự che chở và điều khiển của cha mẹ, học cách tự đưa ra các quyết định, suy nghĩ cho bản thân và có trách nhiệm với các hành động của mình. Nếu vượt qua được những mơ hồ, hụt hẫng, mâu thuẫn, thiếu tự tin, trẻ em sau này sẽ trở thành một người lớn có tính độc lập, thể hiện đúng khả năng của mình trong cuộc sống...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo