Tưởng như những loại xe: Dyland, SH, Honda @, Spacy... mới đủ lý do kiêu hãnh bởi kiểu dáng sang trọng, hợp thời trang và giá cả tính bằng hàng ngàn USD ít người có được thì xe cổ sẽ trở thành “muôn năm cũ”... Nhưng không, dòng Vespa, đặc biệt là Vespa cổ vẫn trở thành mốt của những người trẻ sành điệu.
Sắc màu của thời gian
Nói về tâm lý của hầu hết những người đang sở hữu Vespa cổ, Hoàng Nhật Mai, phóng viên Báo điện tử VietNamNet, tâm sự: “Thật thích thú vì khi cưỡi Vespa cổ có cảm giác lịch lãm hơn và người ngoài nhìn vào sẽ thấy độc đáo, hay hay...”. Thắng Vespa, một admin mở diễn đàn Vespa cổ trên mạng ttvnol.com, khẳng định: “Nếu ai đó đang sở hữu chiếc xe này sẽ hãnh diện và nhớ rằng bạn đang giữ trong tay sắc màu của thời gian, của một thuở xa xưa mà nay mọi người đang... mơ ước”.
Thắng rỉ tai tôi: “Vespa cổ trước khi được tân trang giá rất bèo. Một chiếc Sprint chỉ nhàng nhàng 10 triệu đổ lại. Cỡ Acma ban đầu mua chỉ 4 triệu, qua “mông má” lên tầm 14 triệu là ổn. Standard 1965 máy còn ngon giá bán chỉ 1.000 USD. Lambretta Lisire3 máy “zin” nguyên, còn 90% cũng chỉ 9 triệu... Nhiều dân Tây còn mua Vespa cổ từ Việt Nam cho rẻ nữa”.
“Cô nàng đỏng đảnh”
Trước, mỗi Vespa cổ xuất hiện ở đất Bắc đều phải mấy ngày đường ngược từ TPHCM ra. Cần thay phụ tùng, sửa chữa gì chỉ có nước... Nam tiến. Nay, nguồn mua Vespa cổ không còn khó khăn. Dân chơi Hà Nội không cần đặt hàng tận trong TPHCM cũng có thế kiếm một chiếc Vespa ngon lành thông qua diễn đàn kể trên hoặc săn Vespa cổ bán lẻ quanh Hà Nội.
Phụ tùng cho “cô nàng đỏng đảnh” này cũng không còn quá khó kiếm, đặt hàng trong TPHCM hoặc bỏ thời gian lượn các chợ trời kiếm được cũng khá, giá cả lại phải chăng. Nếu Vespa bệnh thì số 33 Đường Láng, cuối phố Thái Phiên, Phủ Doãn, Hàn Thuyên hoặc Cát Linh là những địa chỉ sửa chữa tin cậy. Kinh nghiệm bảo dưỡng, sử dụng Vespa cũng phổ biến rộng rãi hơn trước kia. Những điều này khiến dân mê xế nổ trẻ tuổi và cả những “lão tướng” hài lòng.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Đi xe Vespa cực khó, nhất là với giới nữ. Quen chạy xe thường, tay ambraya tự động, khi muốn giảm tốc cứ thế mà giảm ga; còn Vespa, giảm ga, nhất thiết phải bóp ambraya. Xe lại nặng, từ khâu khởi động nặng đi. Nếu không có sức khỏe tốt thì... bó tay.
Thanh Hằng, sinh viên ĐH Ngoại thương, sau một thời gian gắn với Vespa cổ, thở than: “Hắn (Vespa cổ) móc hầu bao kinh khủng. Uống xăng như nước lã”. Đấy là chưa kể, Vespa cổ chết máy giữa đường như cơm bữa. Muốn tìm một chỗ sửa xe, nhiều khả năng phải thuê một tay... dắt hộ, còn mình... nhảy xe ôm rà theo. Mất thời gian, hao tổn tinh thần... đủ các thứ bà giằn khác, chỉ bởi có một đam mê... Ngẫm cho cùng, “nghề chơi nào chả lắm công phu” (!) Chưa kể tới, Vespa cổ mua về bao giờ cũng phải “mông má” lại một lượt. Giá cứ thế mà leo thang ầm ĩ.
Cuộc sống còn quá nhiều việc để thực hiện, xe máy là phương tiện vô cùng thông dụng và một chiếc xe đỏng đảnh không thể đưa chúng ta đi xa được. Những lựa chọn cần phải phù hợp với tình hình kinh tế, công việc và cá tính riêng của mỗi người. Nhưng giữ được niềm đam mê cũng là cái thú của người sành điệu.
Biểu tượng của sự lãng mạn Từng được mệnh danh là biểu tượng của nước Ý, biểu tượng của giới trẻ và biểu tượng của sự lãng mạn Âu châu, Vespa là một thương hiệu thành công trong lịch sử thương mại: hơn 15 triệu xe đã được bán trong 50 năm. Hãng Vespa bắt đầu phát triển trong những năm 1940 và khoảng năm 1948 thì chiếc Vespa thương mại đầu tiên đã ra đời. Từ đó có rất nhiều đời xe, kiểu dáng được liên tiếp tung ra như: Acma (Acma de Paris), Standard, Super và Sprint. Cuối những năm 1970 hãng Piaggio cho ra đời chiếc Vespa PX 150 - được coi là bước đột phá về kiểu dáng và tiện dụng hơn. Loạt xe từ 1960 trở về trước được coi là cổ. |
Bình luận (0)