Mới gặp nhau nói được vài câu, chị Thúy Hằng, người chung nhà trọ với tôi thời sinh viên, đã xin phép ra về vì đèn nhà bếp đứt bóng cần phải thay. Tôi thắc mắc: “Anh Nam đâu mà để chị làm mấy chuyện đó?”. “Ảnh bận đi xin việc cho đứa cháu người bạn, giờ toàn năng nổ việc người” - chị Hằng lắc đầu ngao ngán.
Việc chú bác thì siêng
Thời đại học, mấy đứa con gái ở trọ cùng nhà đều ganh tỵ với chị Hằng vì có bạn trai ga lăng lại tốt bụng. Anh Nam không chỉ tính tình rộng rãi, mỗi lần đến chơi đều có bịch ổi, bịch xoài cho chúng tôi mà còn nhiệt tình giúp đỡ mọi người trong nhà trọ. Vòi nước hư, đèn đứt bóng, thậm chí xe đạp hư..., anh đều mang ra sửa mà không nề hà những việc này có thể làm hỏng bộ quần áo đẹp hay mất một buổi đi chơi cùng người yêu. “Ban đầu, chị cũng nghĩ mình may mắn có người chồng tốt, biết giúp đỡ người khác. Nhưng cưới nhau về mới biết anh ấy chỉ siêng năng với việc người, còn việc nhà kêu 5 lần, 7 lượt chẳng đụng tay. Nói hoài chán quá, chị tự làm cho rồi chứ chờ đợi biết bao giờ” - chị Hằng thở dài.
Cùng tâm trạng với chị Hằng, chị Ánh Ngọc - nhà ở đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP HCM - cũng than thở về ông chồng chuyên vác tù và hàng tổng của mình. Chị kể: anh Bình, chồng chị, là người tốt tính lại nhiệt tình nên cả hai bên nội ngoại đều quý. Nhưng chính vì tính tốt của anh mà làm chị mệt mỏi. Ở quê có tang chay, cưới hỏi, anh về đến mấy ngày để phụ chạy bàn, tiếp khách. Họ hàng ở quê lên TP nằm viện, anh tình nguyện ra vào chăm sóc, thăm nom. “Đỉnh điểm có lần vợ bị bệnh, con nhỏ không người chăm mà anh ấy vẫn bỏ về quê phụ bưng gạch cho ông chú họ. Ở quê, các chú bác, anh chị rất đông chứ phải không có người nhưng anh ấy vẫn đi, vợ con bỏ mặc” - chị Ngọc bức xúc.
Có chồng cũng như không
Đa số phụ nữ đều rất sợ khi lấy phải một người chồng ky bo, keo kiệt nhưng lấy chồng quá rộng rãi, tốt tính cũng làm nhiều chị phiền lòng. Chị Hạnh Trang - ngụ quận Tân Bình, TP HCM - là trường hợp điển hình. Ngoài khoản chi phí sinh hoạt, vợ chồng chị thống nhất có khoản tiền chung bỏ vào két sắt và không được đụng đến. Đến khi cần thì chị Trang mới biết không còn đồng nào. Khi được hỏi thì anh Duy, chồng chị, gãi đầu gãi tay: “Thằng Út làm mất xe máy mà không dám nói má vì sợ bị rầy. Anh làm anh Hai nên phải mua cho em chiếc xe mới. Rồi bé Ba con chú Năm cần ít tiền để xin việc, mình làm anh chị lẽ nào ngơ...”. “Làm lớn chuyện cũng chẳng được gì nên tôi có cách quản tiền khác chứ không để như cũ vì sợ tính rộng rãi của chồng” - chị Trang kể.
Còn bà Lý - ngụ ở đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp, TP HCM - cũng ngao ngán việc có chồng cũng như không của mình. Chồng bà Lý luôn ngập đầu trong công việc của thiên hạ. Hồi chưa nghỉ hưu, ông ấy đi tối ngày, hết họp lại tiếp khách. Một tay bà nuôi 2 đứa con, chăm sóc cha mẹ chồng già yếu. Đến xây nhà, dựng vợ, gả chồng cho con đều một tay bà lo liệu. Ông chỉ “phán”: “Em cứ quyết định đi, anh bận lắm”. “Đến tuổi nghỉ hưu, tôi tưởng như “tìm lại” được chồng nhưng ông ấy lại nhanh chóng xung phong làm tổ trưởng dân phố, cán bộ mặt trận, tham gia công tác hòa giải... Hồi xưa, ổng đi đến 19 hoặc 20 giờ, nay đến tận 22 giờ mới về, chẳng có cả thứ bảy, chủ nhật” - bà Lý than thở.
Bà Nguyễn Thị Tâm An, Chủ nhiệm CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc TP HCM:
Trong ấm thì ngoài mới êm
Gần đây, báo chí thường lên án lối sống thờ ơ, vô cảm của người thành thị. Thế thì các chị em phải tự hào vì mình có người chồng tốt tính, được mọi người yêu quý. Tuy nhiên, các anh tốt mà chưa tốt, biết quan tâm, giúp đỡ người khác không chưa đủ mà phải chia sẻ, gánh vác việc nhà cùng vợ. Có trong ấm thì ngoài mới êm.
Bình luận (0)