Chi tiền cho “cò”, đồ sẽ về với "khổ chủ"
Biết chúng tôi đang đi tìm máy ảnh người đàn ông vừa kéo chúng tôi vào một quán cóc gần bảo tàng, vừa nhau nhảu “tiếp thị”: “Muốn tìm máy ảnh à? Loại nào cũng có, hàng cũ hàng mới, hàng chính…chủ. Đã bị giật hay lấy cắp thì coi như mất luôn rồi, chịu khó bỏ ít tiền chuộc về cho nhanh việc. Không lấy được hàng chính gốc thì lấy hàng khác, có khi được đồ xịn mà còn rẻ hơn…”. Gật đầu đồng ý đề nghị, chúng tôi ngồi đợi. Hơn 15 phút sau, anh ta chở một người đàn ông ốm nhom ra, mau miệng dẫn chuyện: "Chú Ba, anh chị đây tìm cái máy "rơi" ngoài bến Bạch Đằng hôm kia. Chú coi có không, giúp giùm". Ông ta hỏi tên loại máy rồi bảo chúng tôi ngồi chờ để đi lấy máy.
Một lát thì người đàn ông ra, đưa chúng tôi xem 2 cái máy chụp hình kỹ thuật số hiệu
Lấy cớ có người quen vừa bị mất chiếc Max tím, chúng tôi nhờ người thanh niên tên là Út “zet” giới thiệu “bến cập hàng”. “Mất ở quận nhất hả, chạy qua Trần Quang Khải hỏi xem, không thì đến phường Bến Nghé. Qua Trần Quang Khải thì nói là anh H. chỉ tới”. Khi tôi rút tờ một trăm ngàn ra thanh toán tiền nước thì anh ta lanh lẹ cầm lấy đưa cho bà chủ và tính luôn “11 ngàn tiền nước, còn lại anh chị cho hút thuốc nghe”.
Dò hỏi mãi cũng tìm được Đ. ở một hiệu sửa xe vỉa hè trên đường Trần Quang Khải. Đ cảnh giác: “Tui nghỉ lâu rồi, giờ có xe hư thì tui sửa cho, còn tìm xe thì đến công an chớ”. Nghe nói chỗ anh H. giới thiệu, Đ. cười, “vậy hả, vô trong ngồi đợi tui chút”.
Thời còn “săn của rơi”, mỗi ngày Đ. có khoảng hai khách hàng, nhẹ nhàng kiếm được hai, ba triệu đồng. Mùa cao điểm gần Tết, có ngày Đ. “săn” năm, sáu mối ''hàng'' xe máy. “Công việc” của Đ. và các “đồng nghiệp” khác là tập hợp xe dân ăn cắp mang đến để tiêu thụ. Không cà số máy, số khung, rã hay tút lại xe, Đ. cứ thế giữ nguyên chiếc, chờ người đến chuộc. Hỏi mức tiền bỏ ra chuộc xe, Đ. cho biết còn tùy phía "ăn hàng" đòi bao nhiêu, xe cũ mới thế nào. "Xe Max thì không quá 10 triệu đâu, cho tôi khoản 10% tiền "cò”. Rồi Đ. hẹn 3, 4 bữa nữa quay lại.
Sôi động thị trường đồ ăn cắp
Cứ thế, hàng loạt mối cung cấp dịch vụ chuộc và mua hàng bị "rơi" đang diễn ra ngấm ngầm nhưng rất xôm tụ trên các ngóc ngách thành phố. Thượng vàng hạ cám, mọi thứ đều có thể mang lại tiền cho những tên trộm cắp và các tay trung gian ngồi không hưởng lợi.
Út “zet” hướng dẫn tận tình với chúng tôi từng bến đỗ các loại hàng khác nhau: "Máy ảnh khu này (đối diện Bảo tàng Mỹ thuật), phụ tùng, xe qua Trần Quang Khải, Tân Thành; xe đạp tới Lê Lai, sau khách sạn New World; tivi, cassett, máy tính, đồ điện tử nói chung lên Chợ Lớn, Nhật Tảo; điện thoại di động đến Hùng Vương... và hàng “hầm bà lằng” cứ rảo chợ trời Nguyễn Kiệm, Nguyễn Chí Thanh, Đinh Tiên Hoàng, Hùng Vương...". Theo lời Út “zet” là không thiếu thứ gì và quả thật đúng như vậy. Từ đôi giày, túi xách, quần áo, đồng hồ, quạt máy, mắt kính, điều khiển từ xa tivi, máy lạnh, bút paker, hộp quẹt... được xếp la liệt trên những chiếc khay nhỏ bày trên vỉa hè, đến những món hàng có giá trị như đồ điện tử, điện thoại di động, phụ tùng xe máy, ôtô…
Món hàng được mua bán xôm tụ nhất trong số này có lẽ là điện thoại di động. Đoạn đường Hùng Vương có đến hàng chục cửa hàng kinh doanh điện thoại di động, thế nhưng, tấp nập nhất vẫn là những “cửa hàng di động” được bày trên những tấm bạt, khay sắt để dọc theo vỉa hè. “Gần như 100% nguồn hàng của những người này là hàng ăn cắp, giựt dọc…đừng ham rẻ mà mua, về dùng vài ngày lại vất đi, vì nhiều tên sau khi “ăn” hàng rồi thì đem đến một số cửa hàng quen để bán bo mạch, phần máy, sau đó mới “thảy” ra cho các tay bán vỉa hè”, nhiều chủ tiệm bán điện thoại trên con đường này khẳng định.
Hoạt động sôi động từ sáng đến tối, những điểm bán hàng, dịch vụ chuộc của rơi này ngang nhiên tồn tại từ bao năm nay. Hầu như chỉ thấy những người giao dịch mua bán kiểu này chạy khi lực lượng trật tự đô thị đi dẹp đường. Còn chuyện mua bán hàng hóa bất hợp pháp hầu như chẳng thấy chính quyền địa phương đả động đến. Nhiều người mua hàng ở những điểm này thậm chí còn bị các tay giang hồ đe dọa, uy hiếp, vì “cái tội trả giá, thắc mắc, săm soi hàng quá kỹ…”.
Bình luận (0)