Chị đến chỗ hẹn với một bộ váy được may khéo léo, đôi giày cao gót sành điệu của một thương hiệu nổi tiếng. Nhìn chị, tôi trầm trồ: “Chị Lê ngày càng đẹp và trẻ ra nha”. Chị cười tít mắt: “Đàn bà khôn thì phải biết chăm chút cho mình chứ em”.
Vì bản thân
Sống cho mình cũng là cách mà nhiều chị chọn lựa ngày nay. Bích, nhân viên của một hãng ô tô tại quận 1, TP HCM, bắt chồng đưa đón mỗi ngày. “Ngoài đường bây giờ đông đúc, kẹt xe, đi xe một mình thì mệt lắm. Vả lại, đàn ông rảnh rỗi thì bia bọt, gái gú chứ được gì” - Bích cho biết. Nhưng hỡi ơi, mỗi ngày chồng Bích phải vượt hơn chục cây số để đưa vợ từ quận 12 đến trung tâm, rồi trở lại quận Tân Bình làm việc, mỗi chiều lại trở xuống trung tâm đón vợ. Nhìn cảnh chồng Bích ngược xuôi, đầu bù, tóc rối, nhiều người không khỏi ái ngại nhưng Bích vẫn tỉnh bơ cho rằng đó là trách nhiệm của chồng.
Nhiều chị còn rỉ tai nhau phải biết thủ riêng vì đàn ông khi thương thì cái gì cũng chiều nhưng khi nghĩa cạn thì chi li từng cắc. Chị Liên, kế toán một công ty xây dựng tại quận 5, TP HCM, kể tiền chi tiêu trong nhà, học hành của con, đám tiệc... chị đều lấy tiền chồng. Lương của mình thì chị giữ nguyên để gửi ngân hàng. Lâu lâu, gom được một số kha khá chị gửi về quê mua đất để ba mình đứng tên. “Có chuyện gì mình cũng có cái phòng thân chứ ai biết được tương lai” - chị kể.
Hy sinh cho chồng con là lẽ sống
Nhiều chị cho rằng đàn bà khôn phải biết sống cho mình, phải thủ riêng để đề phòng bất trắc. Tuy nhiên, với nhiều chị khác, đàn bà khôn thì phải là người biết hy sinh cho chồng con, sống hết mình vì gia đình. Như trường hợp của Lý, trưởng phòng nhân sự một công ty điện tử tại quận 9, TP HCM. Ở công ty, dưới quyền chị có hơn chục người, vậy mà về nhà chị vẫn “dạ thưa” ngọt xớt với chồng. Nhiều khi chị còn cố ý nhờ vả chồng dù ai cũng biết trình độ, địa vị của chị hơn hẳn anh. “Đàn ông tự ái cao lắm, mình chịu nhường nhịn tí chẳng mất gì” - chị tâm sự.
Có thể nói, hy sinh cho chồng con vẫn là xu thế của đa số phụ nữ. Chính điều đó đã tạo nên chất keo gắn kết gia đình. Chị Bình, nhân viên ngân hàng tại quận 1, TP HCM, là một điển hình. Từ khi kinh tế khó khăn, chị bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu của gia đình. Nhưng mọi thứ đã vào quy củ, người bị cắt giảm đầu tiên là chị. Sáng sáng, chồng con vẫn có tiêu chuẩn phở, hủ tiếu; còn chị chỉ ăn qua quýt lát bánh mì, chén cơm nguội. Chị vẫn sắm sửa quần áo mới cho chồng con còn mình thì lâu lắm chẳng thấy một chiếc áo mới. Nhiều người bảo chị “dại”, chị chỉ cười: “Tạm thời lúc khó khăn thì phải thắt lưng buộc bụng thôi. Điều quan trọng là chồng mình cũng hiểu nên tự giác cắt giảm những chi tiêu không cần thiết như nhậu nhẹt, cà phê, thuốc lá... Sự hy sinh của mình được chồng con nhận biết và trân trọng chứ không phải vô tư xem đấy là chuyện đương nhiên”.
BÀ NGUYỄN THỊ TÂM AN, CHỦ NHIỆM CLB XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC, TP HCM: Cần hài hòa Thật khó định nghĩa thế nào là khôn, thế nào là dại vì hoàn cảnh của mỗi gia đình khác nhau. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Lấn lướt chồng, thủ riêng thì cũng không nên vì biết đâu có lúc chồng “vùng lên” thì hạnh phúc khó chu toàn. Ngược lại, nhiều chị quá hy sinh cho chồng con, bỏ quên bản thân mình cũng không tốt. Chồng con cần một người vợ, người mẹ khỏe mạnh, tươi vui chứ không cần một người giúp việc lùi xùi, đau bệnh. Do vậy, mọi thứ đều phải có sự hài hòa. |
Bình luận (0)