Bà xã hay nói tôi thật là lẩm cẩm. Cứ tháng Chạp là lại mua sắm, chuẩn bị mọi thứ giống y như thể sắp về quê ăn một cái Tết thật to. Xong đâu đó, đến gần Tết lại vác đi cho mấy người nghèo ở xóm hoặc mấy người bán vé số, lượm ve chai. Đơn giản vì tôi còn có ai đâu mà về? Ngay cả mồ mả ông bà, cha mẹ cũng không có…
“Năm nay khó khăn lắm, lương thưởng đều giảm, anh bớt tào lao cho vợ con nhờ nghen”- vợ tôi đã càm ràm như vậy từ đầu tháng. Thế nhưng trong cuộc sống có những điều đã trở thành thói quen, thành máu thịt thì thật khó mà sửa đổi. Tôi không phải muốn chơi nổi hay tỏ ra tốt bụng, mà đơn giản vì tôi nhớ nhà, nhớ mẹ. Nhưng mẹ tôi ở đâu, đến giờ tôi vẫn không biết.
Năm đó, mẹ nhắn tôi về. “Có ít gạo mới, con về lấy mang vô trong đó mà ăn”. Mẹ tôi viết thư vào nói vậy. Khi ấy tôi đang học đại học năm thứ ba. Mùa giáp hạt mà có gạo mới thì còn gì bằng? Hẳn là mẹ tôi không dám ăn, để dành cho thằng con trai duy nhất đi học xa nhà. Nhưng lúc đó tôi đang bận thực tập. Với lại, tôi nghĩ, đổ đường đi mấy trăm cây số về Quảng Ngãi chỉ để lấy mấy ký gạo thì thà mua ở trong này còn hơn.
Tôi đâu biết, gạo mới chỉ là cái cớ vì đã 2 năm rồi tôi không về. Đơn giản vì tôi không có tiền. Vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền, tôi chẳng còn thời gian để nghĩ ngợi chuyện gì khác. Với lại năm đó mẹ tôi còn trẻ lắm. Mẹ sinh tôi năm 18 tuổi, nên đến khi tôi vào đại học, mẹ vẫn chưa đến bốn mươi, còn trẻ hơn cả bà xã tôi bây giờ.
Trong suy nghĩ của tôi, mẹ là một người phụ nữ rất trẻ và rất khỏe. Khi tôi còn ở nhà, mẹ đi làm từ sáng đến tối mịt. Nhà chỉ có một khoảnh đất nhỏ sau hè nên quanh năm mẹ toàn đi làm mướn. Khi tôi còn bé, mẹ ẳm tôi theo, để ngồi trong cái thúng trong lúc mẹ làm việc. Tôi ngồi trong đó với mấy củ khoai lang hoặc vài trái bắp. Đói thì ăn, buồn ngủ thì lăn ra đó mà ngủ. Lớn lên một chút, khi tôi bắt đầu đi học thì mẹ để tôi ở nhà một mình. Sáng sớm mẹ nấu nồi cơm để sẵn. Tôi đi học về ăn cơm rồi học bài, quanh quẩn trong nhà chỉ có một mình. Có những hôm mẹ về muộn thì tôi đã ngủ lâu rồi…
Tôi viết thư về cho mẹ: “Đi lại tốn kém lắm, với lại con cũng không có thời gian. Ráng chờ tới Tết, con thu xếp được thì về ăn Tết với mẹ”. Tôi gởi thư đi và cũng không để ý xem đã bao lâu không thấy mẹ trả lời. Cho đến một hôm, tôi nhận được thư từ Ủy ban xã. Ngạc nhiên tôi mở ra xem. Trời ơi, đến lúc đó tôi mới hay mẹ tôi đã bị nước cuốn trôi không tìm thấy xác trong trận lũ quét kinh hoàng. Trận lũ cuối mùa mưa bão năm ấy đã vùi lấp mẹ tôi ở nơi nào, cho đến giờ, tôi vẫn còn bị ám ảnh.
Mỗi khi nhắm mắt, tôi lại thấy gương mặt hiền từ của mẹ, giọng nói ấm áp, bàn tay chai sần thô ráp của mẹ… Tất cả những thứ đó, khi mẹ còn, tôi thấy thật bình thường; chỉ khi mẹ mất đi rồi, nó mới trở thành hoài niệm làm buốt nhói trái tim.
“Còn ai nữa mà về?”, câu nói của vợ tôi như những mũi kim châm vào lòng. Một đứa trẻ không lớn lên từ nguồn cội của mình sao thấy thật chông chênh. Hôm rồi, thằng con út của tôi thỏ thẻ: “Bạn con có quê để về ăn Tết, sao tụi con lại chẳng có vậy ba? Ngoài đó chắc cũng còn bà con, dòng họ, hay mình cứ thử về tìm lại xem…”.
Câu nói của thằng con khiến tôi thức tỉnh. Đúng rồi. Vẫn còn bà con, dòng họ xa gần ngoài đó; nếu chịu khó tìm thì chắc chắn sẽ gặp. Hơn nữa, mẹ tôi vẫn đang nằm đâu đó giữa lòng đất quê hương. Tết này tôi phải về, dù chỉ để thắp một nén nhang nơi đầu cây, ngọn cỏ thì có lẽ hương hồn mẹ tôi cũng sẽ ngậm cười.
Vậy là tôi quyết định chuẩn bị mọi thứ và đăng ký vé tàu cho 3 cha con. Bà xã tôi lại cằn nhằn: “Còn ai nữa mà về? Anh đúng là dở hơi”.
Tôi không giận bà xã. Câu hỏi đó đã làm day dứt lòng tôi tôi bao nhiêu năm. Bây giờ có lẽ tôi phải đi tìm câu trả lời… Tết này cha con tôi đi bụi nhưng có lẽ đi bụi ở quê nhà sẽ có nhiều cảm xúc lắm đây. Tôi hồi hộp chờ đến những giây phút ấy và khẩn cầu rất nhiều cho chuyến đi này.
Mong là đừng có ai như tôi, để đến khi mất mát rồi mới lại quay quắt đi tìm…
Bình luận (0)