Khi bản án ly hôn có hiệu lực, một số trẻ không chịu về với người được quyền nuôi dưỡng theo phán quyết của tòa, buộc cơ quan chức năng phải cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, anh T., một chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự TP HCM, cho biết: “Thực tiễn thi hành các bản án ly hôn luôn là sự thử thách đối với bất cứ chấp hành viên nào. Đành rằng bản án đã có hiệu lực nhưng trong trường hợp đứa trẻ không chịu về với cha hoặc mẹ, những người thi hành công vụ cũng khó lòng cưỡng chế được”.
Quyết liệt “chống” thi hành án
Theo anh T., trong một số vụ cưỡng chế thi hành án, các chấp hành viên đành phải “bó tay” trước sự phản ứng quyết liệt của trẻ. Từng thi hành án nhiều vụ nhưng vụ “đòi con” theo yêu cầu của chị Loan (ngụ quận 2, TP HCM) làm anh nhớ mãi.
Anh T. cho biết chị Loan vốn là giám đốc công ty nên tối ngày bận bịu với công việc, đi sớm về khuya. Ngược lại, anh Hùng - chồng chị - làm việc giờ hành chính nên khi cu Bin ra đời, mọi việc chăm sóc, lo lắng cho con đều do một tay anh lo liệu. Chính vì thế mà cu Bin luôn quấn quýt cha. Đưa nhau ra tòa ly hôn, Loan được giao quyền nuôi con vì chị có điều kiện tốt hơn và khi đó, cu Bin mới 4 tuổi, đang cần sự chăm sóc của mẹ.
Sau đó 2 năm, bản án ly hôn này vẫn không thể thi hành vì anh Hùng không giao con và cu Bin không chịu theo mẹ. Nhiều lần đòi con không được, chị Loan phải nhờ cơ quan thi hành án can thiệp. Sau nhiều lần được thuyết phục, anh Hùng miễn cưỡng giao con cho chị Loan. Song, về với mẹ, cu Bin cứ khóc suốt đòi cha và khi anh Hùng đến thăm con thì thằng bé bám chặt không rời. Từ đó, chưa lần nào chị Loan đưa được con trở lại nhà mình.
Bé Nghi (8 tuổi, ngụ quận Tân Bình,
TP HCM) cũng “chống” lại phán quyết của tòa án. Năm 2011, cha mẹ Nghi - anh Kiệt và chị Thảo - ly hôn. Theo phán quyết của tòa, Nghi sẽ ở với cha, em trai ở với mẹ. Tuy nhiên, sau khi án được tuyên, 2 chị em vẫn tiếp tục ở với mẹ. Nhiều lần cơ quan thi hành án đến động viên, thuyết phục chị Thảo giao con nhưng chị không chấp hành.
Năm 2013, chị Thảo làm ăn sa sút nên gặp khó khăn trong việc chu toàn cuộc sống cho 2 con. Lúc này, chị mới chấp nhận để anh Kiệt đem con về nuôi. Tuy nhiên, bé Nghi lại không chịu vì đã quen với cuộc sống bên mẹ và em.
Không nuôi cũng giành
Khi phán quyết cho trẻ về sống với ai, ngoài khía cạnh pháp lý, tòa án luôn xem xét và đặt quyền lợi của các cháu lên hàng đầu. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào quyền lợi của trẻ cũng được bảo đảm. Trường hợp của vợ chồng anh Vũ (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) là một điển hình.
Năm 2012, vợ chồng Vũ ly hôn, con trai 3 tuổi được giao cho vợ anh nuôi. Sau khi bản án có hiệu lực, vợ anh đi làm ăn xa, bỏ lại con cho người mẹ già hơn 70 tuổi chăm sóc. Nhiều lần thăm con, anh chứng kiến cảnh bé không được chăm sóc chu đáo, bệnh tật triền miên. Xót xa, sau một lần đón con về chơi, anh đã giữ bé lại nhà và không trả cho bên ngoại. Biết tin, chị vợ làm đơn kiện. Vũ bị buộc phải trả lại đứa bé vì hành vi “giành con” của anh không đúng quy định của pháp luật.
“Tôi không hiểu cô ấy giành con để làm gì khi không hề nuôi dưỡng, chăm sóc thằng bé. Sắp tới, tôi sẽ làm thủ tục xin thay đổi quyền nuôi con để đưa cháu về sống với mình” - anh Vũ khẳng định.
Cha mẹ ly hôn, trẻ rất thiệt thòi
“Những đứa trẻ không phải là vật vô tri vô giác, các cháu có suy nghĩ và cảm nhận riêng của mình. Bản thân trẻ đã rất thiệt thòi khi bố mẹ ly hôn. Nếu cưỡng ép ở với người mà trẻ không muốn thì sẽ làm các cháu tổn thương thêm lần nữa. Do vậy, khi giành quyền nuôi con, những người trong cuộc nên xem xét mọi khía cạnh, kể cả nguyện vọng của đứa trẻ, để sao cho con mình có một cuộc sống tốt nhất cả về vật chất lẫn tinh thần” - bà Lê Thị Thùy Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý Những Người Bạn, nhìn nhận.
Bình luận (0)