Vụ cháu bé Phạm Huy Hoàng, 5 tuổi, ở huyện Bình Chánh - TPHCM bị chính mẹ ruột của mình dùng bình ga mini, nồi inox... đánh đến chấn thương sọ não và đã tử vong vào tối 26-12 khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người đàn bà mất nhân tính ấy do bị chồng phụ bạc nên bao nhiêu oán trách, thù hận chồng, chị ta lại nhẫn tâm trút xuống đầu đứa con thơ vô tội.
Ám ảnh những trận đòn
Trên thực tế, việc đánh con tồn tại khá nhiều trong các gia đình. Đối tượng bạo hành con thường có đời sống riêng bất hạnh, học vấn thấp, nhận thức kém và cạn nghĩ. Không ít trẻ em bất hạnh trở thành nạn nhân gánh chịu những cơn nóng giận vô cớ của cha mẹ. Hành vi bạo hành đó gây ra hậu quả khôn lường, thậm chí đã cướp đi những sinh linh vô tội. Điển hình là vụ án mạng xảy ra vào cuối tháng 11 vừa qua ở tỉnh Trà Vinh. Nạn nhân là cháu bé mới được 27 ngày tuổi đã chết tức tưởi bởi hành động độc ác của mẹ mình. Do giận mẹ chồng, Kiêm Thị Hậu đã ôm đứa con đỏ hỏn về nhà cha mẹ ruột rồi ném đứa trẻ xuống ao cá trong vườn nhà.
Bên cạnh quan niệm dạy con phản khoa học “thương cho roi cho vọt”, còn không ít cha mẹ đánh đập con cái mình theo kiểu “giận cá chém thớt”. Chòm xóm có câu cửa miệng dành cho chị Sáu (huyện Bến Cát, Bình Dương): “Đánh con như đánh kẻ trộm”. Chị Sáu vốn là một phụ nữ siêng năng, chịu khó nhưng lấy phải người chồng “tứ đổ tường” khiến cảnh nhà lâm vào khốn đốn. Một mình chị Sáu vất vả nuôi 4 con và thỉnh thoảng phải gồng mình giải quyết hậu quả do chồng gây ra. Chị trở nên cáu bẳn, nhất là mỗi khi các con phạm lỗi lầm nào đó, chị lại lôi chúng ra đánh.
Tôi còn nhớ như in câu chuyện đau lòng của Nguyễn Thị Hồng Ph. hiện đang là giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Huế. Từ thuở sinh viên, Ph. sống khép kín và hay buồn vô cớ, nhất là những khi bạn bè có thư hay người nhà lên thăm. Tôi không ít lần bắt gặp Ph. ngồi thẫn thờ, hai hàng nước mắt cứ lăn dài lặng lẽ. Cho đến khi trở thành bạn thân của nhau, Ph. mới thổ lộ nỗi khổ tâm của mình. Ph. là con út trong số 4 đứa “vịt trời” của bố mẹ. Từ lúc chào đời, cô đã chịu sự ghẻ lạnh và lớn lên trong sự buồn giận của ông bố. Năm Ph. lên 7 tuổi, trong dịp Xuân về cô bé háo hức muốn được xem những hình ảnh nhỏ trên cuốn lịch mà bố vừa thay. Cô bắc ghế trèo lên những mong sờ được tấm lịch nhưng ông bố đã lao đến và nhẫn tâm xô ngã chiếc ghế... “Vui bố cũng đánh, buồn bố cũng đánh chỉ vì mấy chị em là vịt trời”- Ph. kể. Trong ký ức non nớt của Ph. chỉ có những trận đòn tàn bạo của bố.
Gây tổn thương về tâm lý
Có không ít cha mẹ đánh đập con cái rất tàn nhẫn mà không lường được hậu quả xảy ra sau những trận đòn ấy. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trung tâm Tư vấn tình yêu-hôn nhân-gia đình thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên VN, thông thường những đứa trẻ bị bố mẹ bạo hành, sẽ tìm cách nói dối, bao biện những lỗi lầm của mình khi mắc phải để tránh những hình phạt tàn khốc. Và đứa trẻ đó khi lớn lên sẽ không dám chịu trách nhiệm trước những việc mình làm. Về lâu dài, những hành động bạo hành của bố mẹ đối với con cái sẽ ảnh hưởng đến tính cách của chúng. Chúng cũng sẽ dễ sử dụng vũ lực với người khác để giải quyết vấn đề như một phản xạ tự nhiên.
Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho biết, hành vi bạo hành không giải quyết được vấn đề hay lỗi lầm con mắc phải mà gây tổn thương cả thể chất lẫn tâm lý của con. Khi bị đánh đập, chửi bới, con cái cảm thấy bị xúc phạm và sẽ dẫn các em đến những phản ứng tiêu cực như cãi lại, chạy trốn khỏi gia đình...
Các nhà tâm lý học trên thế giới cũng chứng minh rằng nạn bạo hành trẻ em nói chung và bạo hành con nói riêng thường để lại những dấu ấn nặng nề đối với trẻ. Những trẻ bị chính cha mẹ bạo hành thường rơi vào trạng thái trầm uất, luôn xuất hiện ý nghĩ bi quan, muốn tự tử và chúng bị những trận đòn ám ảnh suốt cả cuộc đời. Bởi vậy, cách giáo dục con tốt nhất là hãy lắng nghe và làm bạn với con để truyền đạt cho chúng những kỹ năng cần thiết. Nếu con vấp phải một lỗi lầm nào đó, các bậc phụ huynh hãy coi đó như là một tai nạn và cùng con ngồi lại phân tích đúng sai. Chính điều này sẽ rèn luyện cho trẻ ý thức trách nhiệm, sự tự tin và đặc biệt là chúng luôn cảm thấy được cha mẹ yêu thương ngay cả khi chúng có lỗi.
Bình luận (0)