Ba mất năm tôi 14 tuổi. Một mình mẹ nuôi 6 anh em chúng tôi trong cảnh nghèo túng. Có những lúc khó khăn quá, tôi hay cằn nhằn: “Đẻ chi mà đẻ dữ vậy?”. Lúc đó mẹ chỉ cười, mắt thoáng nhìn xa xăm. Trong suy nghĩ non trẻ của tôi, chắc là mẹ lại tơ tưởng đến hình bóng người đàn ông của mình.
Mà có lẽ tôi nghĩ đúng bởi năm ba mất, mẹ tôi mới 31 tuổi. Vậy mà mẹ đã ở vậy nuôi đàn con, chẳng hề đếm xỉa gì đến những người đàn ông khác vây quanh “muốn hốt cả heo nái lẫn heo con”. Tuy trách móc mẹ sinh đẻ không có kế hoạch nhưng trong thâm tâm, tôi muôn vàn kính phục mẹ, một người phụ nữ thủy chung vẹn toàn.
Thế nhưng cũng chính vì hoàn cảnh của mẹ mà tôi đã thề rằng sẽ chẳng bao giờ lấy chồng. Với tôi, lấy chồng là tự chuốc vạ vào thân, là “sướng không muốn lại muốn khổ”, là tước bỏ quyền tự do của mình để trở thành nô lệ cho kẻ khác. Chưa kể, nếu lấy phải thằng chồng không ra gì thì ôm hận cả đời.
Nói về chuyện lấy chồng, có lần tôi hỏi mẹ: “Sao người ta lại kêu là thằng chồng hả mẹ? Sao không kêu anh chồng, bác chồng, ông chồng, cụ chồng mà lại kêu thằng chồng?”. Mẹ tôi lại cười: “Hỏi lung tung. Ai muốn kêu sao thì kêu”.
Tôi nhớ, hồi ba còn sống, ba mẹ vẫn gọi nhau là “anh em” chớ tuyệt nhiên không nghe kêu “ông bà”, “tao mày” như mấy người hàng xóm. Khi ba mất rồi, mỗi lần nhắc đến ba, mẹ tôi lại gọi “ba của tụi con” với giọng điệu tràn đầy yêu thương. Tôi không biết lắm về tình yêu của ba mẹ nhưng những gì mẹ tôi trải qua khi ba mất đi đã cho tôi một nỗi sợ hãi tình yêu và hôn nhân.
Chính vì vậy, khi Khang theo đuổi và ngỏ lời yêu, tôi quyết liệt từ chối. Anh không chịu thua, bắt tôi phải nói rõ lý do. Mà tôi có lý do gì để từ chối anh ngoài quan niệm khủng khiếp về gánh nặng gia đình khi phải yêu thương, hi sinh cho một ai đó ngoài bản thân mình. Với tôi, chăm lo cho mẹ và các em thì cũng đã quá mỏi mệt cho một kiếp người. Tôi không muốn tiếp tục cuộc sống đầy những lo toan như vậy.
Cho đến cách nay hơn 2 tuần, Khang đến chơi và mua cho tôi mấy cái khuôn làm bánh trung thu và dụng cụ làm bánh. Tôi ngạc nhiên: “Anh làm gì vậy?”. Khang gục gật đầu: “Làm bánh chớ làm gì cô nương? Có đủ đồ nghề như vầy, em làm sẽ ngon hơn, đỡ vất vả hơn, bánh lại đẹp hơn”.
Suýt chút nữa thì tôi chảy nước mắt. Khang biết là năm nào tôi cũng tự tay làm mấy cái bánh trung thu cúng mẹ dù vào dịp ấy, tôi được biếu rất nhiều bánh ngon. Tôi làm bánh vì tôi nhớ trung thu những ngày thơ bé, anh em tôi không bao giờ được ăn bánh trung thu mua ngoài tiệm. Thay vào đó là những chiếc bánh “gọi là bánh trung thu” do chính tay mẹ làm.
Bánh trung thu của mẹ vỏ không vàng ươm như bánh tiệm; ruột cũng không có hột sen, lạp xưởng, gà quay, vi cá mà chỉ có trứng vịt muối với đậu xanh hoặc khoai môn. Bánh trung thu của mẹ cũng không có hình vuông vức, có hoa văn đẹp như bánh ở tiệm mà chỉ có những đường ngang dọc và đủ thứ hình dáng.
Tôi nhớ mẹ nướng bánh trong một cái thùng hình chữ nhật đặt trên bếp than vỏ dừa. Mỗi lần mẹ nướng bánh, anh em tôi lại ngồi chóc ngóc bên cạnh để chờ. Khi bánh bắt đầu thơm thì mấy cái miệng cùng chóp chép. Nhưng bao giờ mẹ cũng bắt phải chờ cúng ông bà xong mới cho ăn. Thời gian chờ đợi càng làm cho cái sự thòm thèm gia tăng. Chính vì vậy mà tôi luôn có cảm giác, chưa bao giờ ăn bánh trung thu nào ngon như bánh của mẹ.
Cho đến một lần, mẹ đi chợ về, lấy từ trong giỏ xách ra mấy cái bánh trung thu. Mẹ hớn hở nói: “Bữa nay qua Tết Trung thu rồi, người ta bán giảm giá, mua một tặng một, mẹ mua cho tụi bây ăn đã đời luôn”. Tiếng là “đã đời” nhưng mỗi đứa cũng chỉ ăn được 2 miếng bánh.
Tôi không dám ăn nhiều mà cắn từng chút một để tận hưởng hương vị của bánh trung thu thật. Mùi lạp xưởng, mùi vỏ quýt; rồi thì cảm giác sừn sựt của mứt bí, hột dưa cứ gọi là đầy ứ trong miệng. Lần đầu tiên trong đời, tôi được ăn bánh trung thu nên không bao giờ quên được.
Thế nhưng một điều không mong muốn đã xảy ra. Sáng hôm sau, cả 6 anh em tôi đều bị đau bụng, nôn mửa rồi tiêu chảy. Chỉ mình mẹ không bị gì bởi mẹ không ăn miếng nào mà nhường hết cho bầy con. Bác y tá gần nhà nói tụi tôi bị ngộ độc thực phẩm. Từ đó, bánh trung thu đối với tôi đồng nghĩa với ngộ độc, với ói mửa và những cơn đau quặn ruột. Tôi chỉ ăn bánh do mẹ làm và không có cơ sở để khen hay chê bánh ngon, bánh dở.
Từ ngày mẹ mất, năm nào tôi cũng lọ mọ làm bánh trung thu. Thật tình là tôi không biết làm và cũng không muốn làm nhưng tôi không muốn cúng mẹ bằng những chiếc bánh mà mình không tin tưởng, tệ hại hơn là còn có cảm giác những chiếc bánh đó chứa đầy chất độc hại.
Tôi sợ bánh trung thu cũng giống như sợ phải yêu một người nào đó và làm nô lệ cho tình yêu suốt đời như mẹ tôi. Nhưng có lẽ ông trời muốn giải thoát cho tôi khỏi những ý nghĩ cực đoan đó nên đã mang Khang đến bên tôi. Anh không chỉ chăm sóc tôi tận tình, quan tâm tôi thật chu đáo mà còn thấu hiểu hết mọi ngõ ngách trong tâm hồn tôi.
Và cái hôm anh mang khuôn bánh, dụng cụ làm bánh đến nhà, hì hục nhào bột, dập khuôn, nướng bánh thì tôi thấy quan điểm về hạnh phúc, tình yêu của mình đã lung lay. Nhỏ em kế tôi bảo: “Chị đừng làm khổ anh Khang nữa, đồng ý đi cho ảnh đỡ tốn công sức, mà chị cũng không mất thời gian”. Đứa bạn thân nhất của tôi cũng nói: “Còn chờ gì nữa mà không ừ đại đi? Kiếm được một người thương mình, hiểu mình như vậy không dễ đâu”.
Nhưng có một điều tôi sợ nhất mà không ai có thể hiểu được và tôi cũng không thể nói ra với ai. Đó là tôi sợ Khang cũng giống ba tôi. Lỡ như mà anh cũng… chết sớm, bỏ tôi một mình với đàn con nheo nhóc thì tôi làm sao mà sống nổi? Cho đến lúc này, tôi vẫn nghĩ vướng vào tình yêu và hôn nhân chẳng khác nào tự lấy dây trói mình, để rồi sau đó ngồi khóc đến trăm năm…
Bình luận (0)